Tiểu thuyết “Cuốn gia phả bị thất lạc” kể câu chuyện về làng Tiềm, một làng khoa bảng giàu truyền thống cách mạng ở miền Trung. Làng Tiềm trong truyện có nguyên mẫu là làng Quỳnh Đôi ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), những nhân vật họ Hồ trong truyện đều mang hình bóng những con người thật ở đất này.

gia pha that lac.jpg
Cuốn sách đem lại một góc nhìn khác về cải cách ruộng đất, góc nhìn từ người trong một gia đình cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm việc này. 

Theo mạch truyện, cuốn gia phả của gia tộc Hồ Thiện, một dòng họ không được chi họ Hồ ở Xóm Giếng làng Tiềm công nhận, bị thất lạc trong binh biến, mãi đến năm 1975 mới tìm thấy. Thông qua hành trình tìm cuốn gia phả, cuốn sách kể lại lịch sử của làng trong khoảng 90 năm (1885-1975). 

Một phần lịch sử Đảng, lịch sử của đất nước được phản ánh ở cấp độ thu nhỏ trong lịch sử của ngôi làng đặc biệt đó: Khởi nghĩa Cần vương, nghĩa quân Đề Thám bị đưa về làng xử chém; Phong trào đấu tranh chống Pháp theo Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đầu những năm 1920; Sự bế tắc của các Văn thân khi triều đình bỏ thi cử, các cuộc nổi dậy chống chính quyền bảo hộ đều bị Pháp đàn áp nặng nề; Sự kiện thành lập chi bộ Đảng, sự tổn thất của Đảng những năm 1930-1931 tại làng; Lớp thanh niên kế tiếp tham gia cách mạng, kháng chiến; Nhiều người qua tù đày, một số thành yếu nhân của Đảng…

Cuốn sách nêu cả những ấu trĩ trong giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám - trước 1975 ở làng: Phá đình chùa, triệt tiêu kinh tế tư nhân làm cho các nghề đã có hàng trăm năm của làng như dệt lụa, làm bún bánh… bị mai một, chợ làng vốn là chợ sầm uất bậc nhất trong vùng vì thế mà trở nên đìu hiu. 

Đặc biệt, cuốn sách đem lại một góc nhìn khác về cải cách ruộng đất, góc nhìn từ người trong một gia đình cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm việc này. 

Hồ Kiên trong truyện là một trong những người lãnh đạo chính của cuộc cải cách ruộng đất, khi nhận ra những sai lầm của cải cách ruộng đất đã dằn vặt chất vấn mình rất nhiều. Với tư cách là một trong những người được giao trọng trách, Kiên cảm thấy hổ thẹn trước những người dân làng Tiềm, hổ thẹn với cả tiền nhân và hậu thế. Từ chỗ tự tin rằng mình đang làm một việc quan trọng là mang lại lợi ích cho dân cày, giờ hiểu ra mình và các đồng chí đang vô tình hành động ngược với mục tiêu cao cả đó. 

Cuối cùng Kiên bị cách hết mọi chức vụ, đang từ một vị trí rất cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, trở thành một cán bộ của một trường trung cấp chuyên đào tạo và bồi dưỡng cán bộ về công tác nông thôn. Kiên chấp nhận kỷ luật ấy vì coi đó là "đang thực hiện nhiệm vụ làm nơi xả nỗi bất bình của dân với Đảng". 

Với những nội dung này, “Cuốn gia phả bị thất lạc” được đánh giá là một cuốn "tiểu thuyết tư liệu lịch sử". Hồ Kiên là một nhân vật lịch sử có thật và là hình bóng nhà cách mạng Hồ Viết Thắng (1918 – 1998), thân phụ của tác giả Hồ Sĩ Hậu. Cuốn tiểu thuyết vì thế phần nào có cả tính chất tự truyện và nghiêng về truyện ký nhiều hơn.

Những vấn đề sự kiện của lịch sử để lại sẽ còn được soi chiếu, phân tích từ nhiều nguồn, nhiều chiều, nhất là những sự kiện lớn có tính bi kịch. Trong phạm vi hiểu biết và khả năng suy xét của mình, Hồ Sỹ Hậu chỉ mới đưa ra những kiến giải bước đầu về cải cách ruộng đất và cha mình. Việc làm này cũng không phải dễ dàng.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu sinh năm 1946, nguyên là Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông là kỹ sư thiết kế thi công tuyến ống xăng dầu xuyên Trường Sơn. Ông được ghi nhận có đóng góp quan trọng cho ngành xăng dầu trong những năm chống Mỹ cứu nước. 

Năm 2012, cuốn tiểu thuyết "Dòng sông mang lửa" (2012) của Hồ Sỹ Hậu được giải B của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, được đánh giá là “bản hùng ca về những người lính xăng dầu Trường Sơn”. 

Hồ Sỹ Hậu là con trai của ông Hồ Viết Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Thực phẩm. Ông Hậu là người được sống cùng cha (Hồ Viết Thắng) trên chiến khu Việt Bắc và được gần gũi nhiều với Bác Hồ khi thời ở chiến khu. 

Phạm Bình Minh, Lê Hồng Hạnh, Đỗ Ngân Phương