Nhật Bản hậu Thế chiến II là một trường hợp thú vị hiếm gặp trong lịch sử. Quốc gia này đã có lúc tưởng chừng sắp soán ngôi nước Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới, nhưng lại hết sức khiêm tốn về sức mạnh vũ trang, thậm chí không có mặt trong nhóm nhỏ quốc gia sở hữu sức mạnh tối hậu: Vũ khí hạt nhân.
Nói một cách hình tượng thì Nhật Bản là một “cường quốc khiếm khuyết” và cần tới những đồng minh tin cậy để bổ sung cho khiếm khuyết của mình. Suốt một thời gian dài sau Thế chiến II qua cả Chiến tranh Lạnh, người đồng minh này là Mỹ, chiếc ô bảo vệ kiên cố đủ để Nhật Bản yên tâm phát triển bùng nổ về kinh tế để… cạnh tranh với Mỹ. Nhưng thời thế đã đổi thay, ngay kế bên Nhật Bản hiện tại là một Trung Quốc phát triển bùng nổ và không hề giấu giếm tham vọng bá chủ không chỉ châu Á của mình.
Trong khi đó, cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự nồng ấm của quan hệ Nhật – Mỹ nguội dần, ngày càng đi theo xu hướng “tuyết trước cổng nhà ai người ấy quét”. Vậy là đã đến lúc Nhật Bản tìm một lối đi thích hợp, những đối tác thích hợp để tạo lập một thế cân bằng mới đảm bảo an ninh, phát triển và vị thế cường quốc về kinh tế cũng như ảnh hưởng toàn cầu của mình. “Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030” của Hamada Kazuyuki, một học giả có tiếng nói rất có trọng lượng trong hoạch định chính sách của Nhật Bản, chính là cuốn sách phân tích một hướng tiếp cận để hướng tới mục đích kể trên.
Để vào đề cho cuốn sách của mình, Hamada Kazuyuki đã đưa ra định nghĩa “cường quốc trong tương lai” của mình. Nắm bắt những xu thế thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện tại và bức tranh toàn cầu trong tương lai gần, tác giả đã uyển chuyển đề xuất những đặc tính mới đại diện cho một cường quốc điển hình của thế giới tương lai, với 5 điểm nhấn cốt yếu:
- Mức độ hài lòng cao của cư dân.
- Khoan dung với tính đa dạng, thuận lợi cho công nghệ, ý tưởng mới hình thành, phát triển.
- Tiếp nhận, vận dụng an toàn, sử dụng linh hoạt công nghệ mới.
- Đưa ra những giá trị phổ biến toàn cầu.
- Có nguồn tài nguyên cho phát triển thịnh vượng.
Có thể thấy ở đây sự thiếu vắng những đặc điểm quen thuộc của các siêu cường chúng ta vẫn quen: quy mô khổng lồ của dân số, diện tích lãnh thổ, nguồn tài nguyên thiên nhiên và sức mạnh quân sự. Đồng nghĩa với việc đây sẽ là những “cường quốc khiếm khuyết” cần đến các mạng lưới quan hệ đối tác, đồng minh để củng cố vững chắc vị thế của mình. Cũng chính là các đối tượng lý tưởng Nhật Bản hướng tới để xây dựng các quan hệ hợp tác nhằm duy trì và mở rộng ảnh hưởng của mình.
Từ xuất phát điểm này, Hamada Kazuyuki chia phần lớn nội dung cuốn sách vào bàn luận ba vấn đề chính:
1-Các quốc gia tiềm năng khớp với các tiêu chí “cường quốc tương lai” tác giả đã đặt ra.
2-Điểm yếu của các siêu cường hiện tại, đồng thời cũng là cơ hội để các quốc gia khác vươn lên tạo lập trật tự thế giới đa cực, cân đối hơn.
3-Tiềm năng của Nhật Bản để khai thác xu hướng phát triển hiện tại cũng như tác động lên nó theo hướng tích cực cho lợi ích của Nhật Bản.
Trong phần thứ nhất, cuộc tìm kiếm ứng viên “cường quốc tương lai” tiềm tàng của tác giả tuân theo đúng thứ tự xa gần trong tầm quan trọng chiến lược của Nhật Bản: từ vùng Đông Bắc Á (Triều Tiên) tới Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia) rồi dịch xa hơn tới Trung Đông (Israel, Iran, Oman) trước khi đề cập tới những mối quan tâm khác (châu Phi, các “ứng viên dự bị”).
Trong phần thứ hai, tác giả thực hiện một phân tích có phần quen thuộc về các cường quốc truyền thống hiện tại trên thế giới, những vấn đề nội tại của các quốc gia này, những khiếm khuyết của trật tự thế giới hiện tại cũng như nguy cơ “hụt hơi” của các cường quốc truyền thống. Đồng thời, Hamada Kazuyuki cũng chỉ ra các cơ hội cho các quốc gia khác, trong đó nhấn mạnh vào cơ hội của Nhật Bản, khai thác các điểm yếu của những cường quốc truyền thống để tạo lập vị thế mạnh hơn trên bản đồ toàn cầu.
Trong phần ba, tác giả phát triển các luận điểm của mình về những tiềm năng Nhật Bản đang có thế mạnh, có thể khai thác để vừa tự củng cố vai trò cường quốc ở hiện tại và phát triển vị thế của mình trong tương lai.
Kết lại cuốn sách, tác giả nhìn rộng ra thế giới, đặt niềm tin vào một thế giới tương lai nơi các vấn đề toàn cầu vốn không thể giải quyết được theo cách tư duy truyền thống trước đây sẽ được giải quyết nhờ những hệ thống giá trị, nguyên tắc toàn cầu mới, nhấn mạnh sự tự do lựa chọn tổ quốc của mỗi cá nhân với tư cách công dân toàn cầu.
Được viết ra từ góc nhìn lợi ích toàn cầu của Nhật Bản, đồng thời gửi tới một thông điệp về kết nối, hợp tác của Nhật Bản tới các quốc gia được tác giả nhìn nhận là ứng cử viên tiềm tàng cho vai trò đối tác, đồng minh của nước Nhật trong tương lai, “Cường quốc tương lai” cũng là một cuốn sách tham khảo thú vị cho những độc giả nào quan tâm tìm hiểu tới tình hình quốc tế cũng như sự chuyển mình nhanh chóng, đa sắc thái của bức tranh quan hệ liên quốc gia toàn cầu.
Chẳng hạn, độc giả Việt Nam có thể tìm thấy trong cuốn sách này những kiến giải đáng suy ngẫm để chúng ta nhìn lại về vị thế của Việt Nam hiện tại và tương lai, cũng như những gì Việt Nam cần làm để đón nhận cơ hội, vượt qua thách thức, duy trì vị thế độc lập và tăng cường sức ảnh hưởng quốc tế, tạo dựng một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như mỗi người Việt Nam đều mong mỏi.
Dịch giả Lê Đình Chi
Tốc độ của Niềm tin
“Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” là câu tục ngữ quen thuộc mà không mấy người Việt Nam không biết.