Hai người đã thiệt mạng ở Rosario, thành phố lớn thứ 3 của Argentina, khi một làn sóng cướp bóc lan rộng.

TIN BÀI KHÁC:



Tình trạng cướp bóc ở Argentina bắt đầu ở miền nam ngày 20/12 và đang lan rộng.

Cảnh sát đã xả hơi cay và bắn đạn cao su để ngăn chặn hàng trăm người tấn công một siêu thị ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Nhiều vụ việc khác cũng xảy ra ở trung tâm Rosario và ở tỉnh Chaco phía bắc.

Truyền hình Argentina công chiếu hình ảnh những người dân - rất nhiều trong số họ bịt kín mặt - ném đá vào cảnh sát và cố gắng thâm nhập vào các cửa hiệu và siêu thị.

Cướp bóc bắt đầu ở miền nam Argentina ngày 20/12. Chính phủ cho rằng các nghiệp đoàn liên quan đến phe đối lập đứng sau tình trạng này. Nó gợi nhớ đến làn sóng bạo lực xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế Argentina năm 2001 khi những người thất nghiệp kéo tới cướp phá các siêu thị.

Tuy nhiên, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Sergio Berni khẳng định những kẻ cướp lần này chỉ lấy đi tivi plasma và các dàn âm thanh, chứ không cuỗm thực phẩm và nguyên nhân không phải do đói nghèo.

"Đây là một bộ phận muốn đẩy Argentina vào hỗn loạn và bạo lực", ông Berni nói. "Nhưng Argentina này không giống như hồi năm 2001".

Chính phủ đã triển khai 400 cảnh sát quân sự tới khu trượt tuyết Bariloche ở Patagonia, nơi chứng kiến vụ cướp bóc đầu tiên. Hơn 100 người đã cướp bóc ít nhất 3 siêu thị và rời đi với các đồ điện tử, đồ chơi, quần áo cùng thực phẩm.

Thêm nhiều cuộc tấn công nữa xuất hiện tại các thành phố công nghiệp Campana và Zarate ở tỉnh Buenos Aires, tại Resistencia ở miền bắc và bên ngoài một siêu thị Carrefour ở San Fernando, ngoại ô thủ đô.

Cảnh sát chống bạo loạn đã ngăn chặn thành công vụ tấn công song các cửa hàng và ki ốt nhỏ lẻ ở ngoại ô không thoát khỏi tay kẻ cướp.

Thị trưởng San Fernando, ông Luis Andreotti, quả quyết: "Điều này đã được sắp đặt. Kẻ nào đó đã khởi xướng tất cả để tạo ra một bầu không khí sợ hãi".

Daniel Scioli, lãnh đạo Buenos Aires, cũng nói rằng tình trạng hiện tại mang động cơ chính trị.

Tuy nhiên, một lãnh đạo nghiệp đoàn, ông Hugo Moyano, người phản đối các chính sách kinh tế của chính phủ, bác bỏ cáo buộc của các nhà chức trách. "Thực tế này có thể xuất phát từ tình hình khó khăn mà người dân Argentina đang phải đối mặt. Tôi không tin là do ai đó sắp đặt", ông Moyano, Chủ tịch nghiệp đoàn CGT, nói.

Các ngân hàng tư nhân cho hay, lạm phát lại hoành hành không thể kiểm soát được ở Argentina mặc dù các nhà chức trách khẳng định chỉ ở mức 9%.

Mới đây, IMF đã dọa "thẻ đỏ" đối với Argentina, có nghĩa là có thể loại bỏ nước này ra khỏi Quỹ và nhóm G20 nếu Argentina không hành động nhiều hơn nữa để cung cấp những dữ liệu thống kê đáng tin cậy hơn về lạm phát và GDP.

Thanh Hảo (Theo BBC, ABC)