Theo đánh giá năm 2016 của Liên Hợp Quốc, xét về GDP bình quân đầu người, Curacao, hòn đảo tự trị nhỏ bé thuộc Vương quốc Hà Lan xếp thứ 40 trong tổng số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (GDP bình quân đầu người năm 2016 của Curacao là 19.586 USD). Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng xếp Curacao vào nhóm nền kinh tế thu nhập cao.

{keywords}
 

Để có được sự thành công của nền kinh tế như hiện nay, Curacao đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong lịch sử.

Những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Curacao nghĩ rằng hòn đảo này vô giá trị vì có rất ít vàng và nước ngọt. Sự khan hiếm nước ngọt đồng nghĩa việc thiết lập các đồn điền và trang trại quy mô lớn sẽ vô cùng khó khăn. Do đó, việc định cư ở Curacao được tin sẽ không mang lại nguồn lợi như ở các đảo Caribbe khác.

Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đến Curacao vào khoảng đầu thế kỷ 16 rốt cuộc đã rời bỏ hòn đảo. Sau khi các lực lượng Hà Lan thiết lập quyền kiểm soát Curacao vào thế kỷ 17, Thống đốc Peter Stuyvesant bắt đầu xây dựng các đồn điền và trang trại để trồng cấy nhiều loại nông sản khác nhau, kể cả hoa quả, ngô và lạc. Tuy nhiên, những người đi xâm chiếm thuộc địa nhanh chóng phát hiện ra rằng, khai thác muối mang lại lợi nhuận béo bở hơn và bắt đầu khai thác muối từ các ao, hồ nước mặn trên hòn đảo.

{keywords}
Vị trí của Curacao trên bản đồ thế giới. 

Trong những năm tiếp theo, thương mại trở thành hoạt động chính của nền kinh tế Curacao. Các thương nhân Hà Lan đã biến Curacao thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất ở vùng biển Caribbe. Vị trí thuận lợi của hòn đảo cùng các bến cảng được đánh giá cao, mở cửa cho mọi hoạt động thương mại, đã khiến Curacao trở thành một nơi tuyệt vời cho các tàu buôn cập bến và hoạt động kinh doanh.

Với sự bùng nổ thương mại và vận tải, nền kinh tế của Curacao từng phát triển nhảy vọt trong một khoảng thời gian. Song, khi chế độ nô lệ trên đảo kết thúc vào khoảng năm 1863, nền kinh tế Curacao phải đối mặt vô số khó khăn, thách thức và trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm chạp về hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, vận may kinh tế của Curacao đã thay đổi khi dầu được phát hiện ngoài khơi Venezuela vào đầu thế kỷ 20. Nhờ tọa lạc gần Venezuela, lại có các cảng nước sâu tự nhiên và chính phủ cầm quyền ổn định, hòn đảo đã trở thành một trong những trung tâm chưng cất dầu thô của thế giới.

{keywords}
Nhà máy lọc dầu Isla của Curacao. Ảnh: thecaribbeanradio.com

Ngành công nghiệp của Curacao cất cánh khi tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell của Hà Lan cho xây dựng và vận hành Isla, nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới vào năm 1918. Công nhân nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ châu Á, đã kéo đến làm việc tại cơ sở này.

Khi giá dầu giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của hòn đảo vào những năm 1980, Curacao đã cho một công ty dầu mỏ của Venezuela thuê nhà máy lọc dầu của mình. Đổi lại, phía Venezuela cung cấp nước ngọt, phục vụ ngành nông nghiệp của hòn đảo.

Hiện, công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela Petróleos de Venezuela (PDVSA) đang vận hành nhà máy Isla với công suất lọc dầu 335.000 thùng/ngày. Dầu mỏ vẫn chiếm khoảng 90% xuất khẩu của Curacao.

Giới quan sát nhận định, Curacao đang có trong tay các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển với nền kinh tế dựa chủ yếu vào hoạt động tinh chế, trung chuyển dầu mỏ, du lịch và các dịch vụ tài chính xuyên biên giới. Vận tải, thương mại quốc tế và các hoạt động khác liên quan đến cảng Willemstad cũng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của hòn đảo này.

{keywords}
 

Xét về du lịch, đây là ngành công nghiệp hái ra tiền, góp phần giúp Curacao duy trì đà tăng trưởng. Du thuyền hiện đại đầu tiên cập cảng Curacao vào năm 1901. Kể từ đó, hòn đảo trở thành một trong những điểm đến ưa thích của các hãng du lịch tàu biển quốc tế và du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ, khu vực Nam Mỹ, Hà Lan và Đức.

Chỉ tính riêng năm 2013, Curacao đã đón tới hơn 610.000 du khách ghé thăm hòn đảo bằng du thuyền, tăng 41,4% so với một năm trước đó. Cùng năm, sân bay quốc tế Hato trên đảo cũng đón 1.772.501 hành khách và chi tới 48 triệu USD đầu tư nhằm biến nơi đây trở thành một trung tâm của khu vực.

Để khiến nền kinh tế phát triển đa dạng hơn nữa, chính quyền Curacao đã xúc tiến nhiều nỗ lực thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Chính sách "Giang rộng đôi tay" này chú trọng đầu tư, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các công ty công nghệ thông tin.

Tuấn Anh