Trong cái nắng oi ả trong những ngày lập thu, ông Lê Văn Nuôi (68 tuổi) chỉnh sửa lại chiếc chân giả của mình để gắn lên đôi chân thật. Trở mình, ông nhíu mắt, nở nụ cười: “Trở trời thì chân cụt này nó nhức mỏi lắm, nhưng mình vẫn may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Tuổi 13 – dũng sĩ quyết thắng

Ông Nuôi sinh ra và lớn lên tại thôn La Huân (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), khi đất nước đang chia cắt hai miền Nam Bắc.

Lên 13 tuổi, tiếng gọi của Tổ quốc đã thôi thúc ông lên đường đánh giặc cứu nước. Cấp trên giao cho ông làm chiến sĩ du kích ở xã, nhiệm vụ của ông là ném lựu đạn, hoặc dùng súng để tiêu diệt địch.

Ông Lê Văn Nuôi với đôi chân không lành lặn do chiến tranh

Kỷ niệm trong khoảng thời gian làm du kích khiến ông mãi không quên, đó chính là lần ám sát một thôn trưởng của địch thời đó. Trong năm 1968, khi địch gom dân để tách người dân và cách mạng với nhau.

“Tôi nhận được lệnh của bí thư xã, mang một khẩu súng ngắn và lựu đạn, trà trộn vào đám đông để bắn chết những người đứng đầu ở đó. Tôi dùng súng ngắn, bắn thẳng vào người một ông đứng trên bục, bắn xong tôi lẻn vào đám đông tẩu thoát.

Người bị bắn sau này tôi mới biết đó chính là trưởng thôn của địch, ông này bị thương rất nặng suýt chút nữa chết. Nhờ vụ ám sát, những cấp cao của địch ở Đà Nẵng sợ bị bắn nên không dám vào đợt đó”, ông Nuôi nhớ lại.

Ông Nuôi hồ hởi, sau lần đó, ông nhận được danh hiệu dũng sĩ quyết thắng vì “Có thành tích diệt ác ôn, đưa dân về trụ bám”. Đây là thành tích đầu tiên ông nhận khi mới 13 tuổi.

Giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ” được ông Nuôi giữ đến bây giờ

Trận chiến xuất sắc tại TP Đà Nẵng

Những thành tích của ông Nuôi đã được cấp trên chú ý, chọn ông vào đội đặc công Biệt động đơn tuyến (làm đội trưởng đội Biệt động K20) tại TP Đà Nẵng. Nhiệm vụ của ông và các đồng đội sẽ đánh mục tiêu của địch như: Lính, cơ quan đầu não, kho tàng, hay các mục tiêu có tính cơ động…

Một trận đánh làm náo loạn TP Đà Nẵng vào tháng 12/1970 do ông là người chỉ huy (lúc này ông vừa đủ 15 tuổi), cùng 3 đồng đội khác tấn công các mục tiêu tại khu phố Thanh Khê của địch.

“Thời gian này, các đơn vị đều về căn cứ ở quê và lên núi để củng cố lực lượng, chỉ duy nhất đội đặc công chúng tôi bám trụ lại TP để chiến đấu.

Chúng tôi 4 người chia đều 4 địa điểm khác nhau, người đầu ném lựu đạn vào chi cảnh sát quận nhì. Khi đánh tại đây tôi dự đoán địch sẽ đến tiếp viện và đi qua đường Lê Độ.

Tôi phục kích sẵn ở đó, xe địch lúc đó chạy rất nhanh, tôi ném trước một quả lựu đạn để chặn đường, quả sau ném thẳng vào xe khiến tất cả địch trên xe đều chết và bị thương”, ông Nuôi kể trong niềm tự hào.

Ông Nuôi được tặng nhiều huân chương

Sau trận đánh, có 15 tên địch chết, phá hỏng 2 xe quân sự, 1 trạm điện, 1 bot cảnh sát và cả 4 người phe ta không ai bị thương. Đây cũng là trận đánh được sách 'Lịch sử Tự vệ - Biệt động Đà Nẵng' đánh là giá xuất sắc vì đánh ngay trong hang ổ của địch.

Vượt ngục qua 11 lớp kẽm gai

Tháng 2/1971, ông Nuôi nhận nhiệm vụ đánh đại đội truyền tin quân đoàn 1 của địch đóng ở đường Lê Độ. Kế hoạch của ông là trườn vào áp sát căn cứ, dùng mìn hẹn giờ và rút về công viên 29/3, trà trộn vào đám trẻ nhặt ve chai ở đây để lẩn trốn.

Khi đang trên đường về đơn vị báo cáo phương án, ông bị địch bắt. Địch đưa ông vào giam tại thị xã Điện Bàn để tra tấn, lấy lời khai.

“Sau khi biết được tôi là đội trưởng đội biệt động, chúng tra tấn tôi với nhiều hình thức khác nhau. Chúng dùng điện cột lỗ tai để giật, đổ nước xà bông vào mặt rồi đánh. Đánh ngất, chúng tạt nước cho tỉnh táo, vứt sang một bên rồi sáng mai mang ra tra tấn tiếp”, ông Nuôi nhớ lại những ngày sống trong địa ngục trần gian.

Mỗi huân chương được ông Nuôi nâng niu 

Bị tra tấn hơn một tháng trời, ông Nuôi quyết tâm vượt ngục để tự cứu sống bản thân. Ông Nuôi giả bệnh, xin quản ngục ra phòng ngoài cùng, sát với hàng rào kẽm gai để dễ bề vượt ngục.

Khoảng 23h hôm đó, nhân lúc ca gác ngủ gật, ông cởi áo quần gói lại trong khăn lau mặt và trườn ra hàng rào kẽm gai. Đến 4h sáng, ông vượt được 5 lớp rào và 1 bãi mìn thì địch phát hiện ông không còn trong tù và đi lùng sục.

“Lúc này, muốn thoát ra khỏi đây phải vượt thêm 6 lớp rào nữa, tôi nằm giữa các lớp rào này, vì cỏ cao và kín nên tôi nằm trong này nguyên 1 ngày trời, không ăn không uống để đợi đêm xuống tiếp tục vượt ngục”, ông Nuôi kể.

Hỏi vì sao có thể nằm giữa các hàng rào kẽm gai mà không bị địch phát hiện, ông cười rồi tiếp lời: “Địch sợ chết lắm, trong hàng rào kẽm gai mìn được cài rất nhiều, cỏ lại um tùm nên không ai dám vào. Lùng sục một ngày không thấy thông tin, địch cứ nghĩ tôi đã tẩu thoát, thế là tối hôm sau tôi trườn qua 6 lớp kẽm gai còn lại và về với đồng đội”.

Chân của ông bị cụt khi dẫm phải mìn

Cựu binh làm kinh tế giỏi

4 tháng sau (6/1971), ông lên đường chuẩn bị cho chiến dịch K850 đánh Đà Nẵng, trên đường đi không may dẫm mìn và cụt một chân. Ông được đưa vào bệnh xá điều trị thì bị nhiễm trùng uốn ván. Ông may mắn được cứu sống trước cửa tử khi ai cũng nghĩ ông không còn vì chân tay đã cứng đơ.

Đang điều trị tại đây thì địch bao vây trạm xá, giam lỏng 7 ngày, ông tiếp tục bị bắt thêm một lần nữa và đưa ra đảo Phú Quốc để giam. Đến năm 1973, ông được thả.

Về lại quê hương, ông chuyển sang làm quân báo viên cho mặt trận Quảng Đà, đến năm 1974 ông có 2 năm ra miền Bắc học văn hóa. Sau đó, ông về kinh qua nhiều công việc tại phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Điện Bàn, Bí thư Chi đoàn…

Ông Nuôi nhìn lại bức ảnh cùng với đồng đội trước ngày giải phóng TP Đà Nẵng 29/3/1975

Ông cũng được mệnh danh là người cựu chiến binh giỏi trong phát triển kinh tế. Khi còn đang công tác, ông nuôi tằm, nuôi cá để có tiền tích góp xây dựng gia đình. Đến nay, ở tuổi thất thập, ông đã giao lại cho người con trai của mình quản lý hồ nuôi cá.

“Giờ đây, bản thân mình không mong mỏi gì, chỉ nhớ những người đồng đội đã nằm xuống. Một số đứa mình còn thấy nó tại các nghĩa trang liệt sĩ, một số vẫn còn nằm lạnh lẽo ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này”, ông Nuôi xúc động.

Chủ tịch UBND xã Điện Thọ Phan Thị Thu Sương cho biết, ông Nuôi hiện là thương binh hạng 2/4 trên địa bàn xã. Ông đang sống cùng vợ, con và cháu tại thôn La Huân.

“Ông Nuôi là thương binh, sau ngày giải phóng ông về lại địa phương sinh sống, lập gia đình, tham gia phong trào của địa phương và là một trong những Hội viên Hội cựu chiến binh gương mẫu, làm kinh tế giỏi”, bà Sương nói.