Câu chuyện tại đảo Gạc Ma 1988

Nhiều năm qua, mỗi lần nhớ tới đồng đội đã ngã xuống ở trận chiến Gạc Ma 1988, binh nhất Trần Thiên Phụng (SN1963, thuộc Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) và các cựu binh tại Quảng Trị lại tập trung ở thành phố Đông Hà, đến thắp hương ở ngôi mộ gió của liệt sĩ Tống Sĩ Bái và Hoàng Anh Đông.

{keywords}
Ông Phụng đọc lại những bức thư gửi vợ lúc bị biệt giam. Ảnh: Bảo Lâm.

Họ cũng chuẩn bị vòng hoa, bánh trái mang đến bãi biển Cửa Việt để thả hoa hướng về đồng đội. Họ đứng bên bờ, hướng theo vòng hoa trôi giữa biển rồi cùng khoác vai nhau khóc thương đồng đội.

“Đồng đội ơi chúng tôi vẫn đứng đây tưởng nhớ về mọi người. Tổ quốc luôn biết ơn các đồng chí, chúng tôi vẫn sẽ mãi nhớ về các đồng chí. Chúng ta là những thủy binh oai hùng, xứng đáng là người lính Hải quân Việt Nam anh dũng”, ông Phụng hét lớn giữa biển.

Là 1 trong tổng số 9 người bị bắt, giam suốt 3 năm  ở bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) từ sau trận chiến đấu ác liệt bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, Việt Nam), ông Phụng trở về nhà với sự vui mừng khôn xiết của gia đình.

{keywords}
Những kỷ vật theo ông cùng năm tháng (ảnh: Bảo Lâm).

Dù trận chiến đã lùi xa 34 năm, nhưng ông Phụng chưa bao giờ quên dù là một chi tiết nhỏ trong sự kiện lịch sử ấy.

Ông kể, vào chiều 13/3/1988, tàu vận tải HQ604 của quân đội ta đến vùng biển cụm đảo Sinh Tồn, đến rạng sáng ngày 14/3/1988, chúng ta được lệnh tiếp cận đảo Gạc Ma để dựng cờ Tổ quốc trên đảo. Tuy nhiên, khi tàu vừa cập bến thì sẵn đó đã có nhiều tàu chiến của Trung Quốc.

“Quân lính Trung Quốc ồ ạt lên đảo, nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi”, ông Phụng nghẹn giọng.

Lúc đó, những người lính trẻ tàu HQ604 vẫn tự xốc lại tinh thần, cùng bảo nhau rằng, “đất của ta, ta cứ lên” trước khoảng 50 lính Trung Quốc mang súng AK. Với sự gan dạ và bản lĩnh vốn có, những người lính trẻ ấy vẫn bước từng bước để tiến hành công việc cắm cờ, xây dựng cơ sở trên đảo lúc đó.

Thấy bộ đội ta cắm cờ trên đảo, một lính Trung Quốc liền đến quấy rối, xé nát cờ của chúng ta rồi thay vào đó là cờ của họ.

Sau một hồi đôi co, tiếng súng đã nổ. Vì không trang bị vũ khí nên những người lính Việt Nam lúc bị quân địch xả súng chỉ biết nằm sát xuống đất để né đạn, tàu HQ604 cũng bị đánh chìm vào lúc 7h30 khi địch bắn pháo 100 ly, 64 người lính trẻ hy sinh vì nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.

{keywords}
Những người lính Gạc Ma vẫn thường xuyên liên lạc với nhau (ảnh nhân vật cung cấp).

Những người lính còn lại sống sót nhưng lênh đênh trên biển từ 8h sáng đến 17h chiều ngày 14/3/1988.

“Tôi lúc đó gần như kiệt sức, bám trên mảnh gỗ rồi nổi lênh đênh trên biển từ 8h sáng đến 17h chiều thì được tàu Trung Quốc vớt lên. Sau đó, 9 người sống sót được đưa về đảo Sinh Tồn, được cho ăn uống.

Sau đó, 9 người được đưa về đảo Hải Nam, từ đây được chuyển qua 1 tàu khác rồi đưa đến một nhà giam quân đội ở bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông (Trung Quốc)”, ông Phụng giọng kể lại.

9 người lính Gạc Ma bị bắt giam lúc đó với đầy thương tích, được bố trí giam 2 người chung buồng, ăn uống ngày 3 bữa và chỉ được thả ra lúc 17h mỗi chiều.

Cuộc sống trong 4 bức tường giam khiến ông Phụng cùng đồng đội rất tuyệt vọng.

{keywords}
Hình ảnh binh nhất Trần Thiên Phụng chụp cùng vợ vào ngày được trả tự do (ảnh nhân vật cung cấp).

“Tôi luôn tự tạo động lực cho mình bằng việc nghĩ về vợ và con trai. Lấy nhọ nồi tự vẽ mặt vợ lên tường trong buồng giam, khi trở trời thì cứ hát bài mà hồi trẻ tôi thường hát tặng vợ để quên đi cơn đau. Cứ thế, mỗi khi tôi chán nản là những việc ấy giúp tôi vượt qua”, ông Phụng xúc động nhớ lại.

Gia cảnh khó khăn

Khi nghe tin tàu của ta bị đánh chìm ở đảo Gạc Ma, bà Lê Thị Thiên (SN 1962, vợ ông Phụng) ngất xỉu lúc, suốt mấy ngày không ăn uống được, gia đình lúc đó cũng đã nghĩ đến chuyện không lành với ông Phụng.

Sau một thời gian đau đáu nỗi lo mất chồng, bà Thiên cùng gia đình đã quyết định lập bàn thờ ông Phụng.

Đúng 1 năm sau, bà Thiên bỗng nhận được bức thư của ông Phụng gửi về. Cả gia đình và xóm làng vui mừng khôn xiết vì biết tin ông Phụng còn sống.

Ngay khi biết tin chồng còn sống, bà Thiên liên tục viết thư tay gửi đến cho chồng. Ở trong tù, ông Phụng cũng lấy hình ảnh vợ và con trai làm động lực, chờ ngày được thả. Cho đến ngày 2/9/1991, ông Phụng được trả tự do.

Hiện ông và vợ sống cùng nhau trong căn nhà cấp 4 do bố mẹ ông để lại. Có với nhau 3 mặt con gồm 2 trai, 1 gái. Tuy nhiên, do các con đã lập nghiệp ở các tỉnh thành khác nên giờ đây bà vẫn là người chăm ông mỗi khi đau ốm.

Khi trở về từ Trung Quốc, ông cùng vợ “chạy đôn đáo” buôn bán nhỏ lẻ để kiếm sống qua ngày.

Đến năm 2007, khi cảm thấy sức khỏe yếu dần, ông Phụng quyết định mở một quán bún nhỏ trên địa bàn phường 2, TP. Đông Hà để vợ buôn bán. Mức thu nhập mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng.

Suốt 3 năm làm tù binh, ông luôn bị những cơn đau từ vết thương hành hạ. Sau này, khi đã bước qua tuổi 50, với những vết thương ở đầu và tay phải, những ngày trái gió trở trời, những cơn đau ấy đến ông với mật độ thường xuyên hơn.

Người cựu binh Trần Thiên Phụng chia sẻ, số tiền trợ cấp hàng tháng không đủ để bản thân đi khám chữa bệnh. Thi thoảng, những vết thương buốt từng cơn vẫn khiến ông trắng đêm triền miên.

Chiều 12/3, nhân kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hy sinh, biến thành vòng tròn bất tử, bảo vệ Tổ quốc (14/3/1988 - 14/3/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Ngày 13/3, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng đông đảo người dân, du khách, và học sinh ở Khánh Hòa cũng tới khu tưởng niệm Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), nghiêm trang, dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ 64 liệt sĩ. Cũng trong chiều tối ngày 13/3, tại biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), những cựu binh và thân nhân liệt sĩ đã thắp đèn hoa đăng, thả xuống biển để tưởng nhớ những người con anh dũng bảo vệ Gạc Ma 34 năm trước. 

Bảo Lâm 

Gạc Ma 1988: ‘Chúng ta không bao giờ quên 64 liệt sĩ'

Gạc Ma 1988: ‘Chúng ta không bao giờ quên 64 liệt sĩ'

“Chúng ta không thể quên và không bao giờ quên chiến công của 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma”, Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 chia sẻ.