NSƯT Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan), sinh năm 1932 tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Bà là phu nhân của cố Thiếu tướng Cao Phòng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Với lối nói chuyện gần gũi, nụ cười đôn hậu, NSƯT Lê Thu kể, từ năm 1948, bà công tác tại Nha Công an Trung ương (nay là Bộ Công an).

{keywords}
NSƯT Lê Thu

Bà được bố trí làm việc ở văn phòng và là thư ký đánh máy cho Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản, chính ông đã đổi tên cho bà thành Lê Thu. Cái tên Lê Thu gắn với bà từ đó và cũng gắn với hàng loạt nhiệm vụ làm trinh sát ở nội thành Hà Nội.

Năm 1954, bà nhận nhiệm vụ mới tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành phát thanh viên của chương trình binh vận.

Cống hiến miệt mài cho cách mạng suốt cả cuộc đời, sau khi nghỉ hưu, trong những lần về thăm quê, lòng bà nặng trĩu khi nhìn những đứa trẻ chân trần, áo rách co ro trong tiết trời giá lạnh. Rồi những ngôi nhà tranh vách đất, trường học cũ dựng bằng tre, rất khổ và khó khăn. Vì vậy, bà muốn làm điều gì đó giúp quê hương, giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2002, bà đã vận động những người trong gia đình gom tiền để xây dựng nhà văn hoá ở Cao Bằng.

Bà chia sẻ, gia đình bà bán hai căn nhà, phần lớn số vàng có được từ bán nhà thì bà chia cho con cháu, một phần bà để làm từ thiện và được người thân ủng hộ. Những người con của bà cũng đã cùng mẹ tham gia các chuyến đi từ thiện.

Năm 2009, bà thành lập chi hội tán trợ chữ thập đỏ Thăng Long, khởi đầu chỉ có 5 người, trong đó có 3 cán bộ công an đã nghỉ hưu từng công tác trong Nha Công an TƯ trước đây. Đến nay chi hội đã có 30 người, họ là những doanh nhân, cán bộ đã nghỉ hưu...

Bà Lê Thu nói, chi hội của bà là tự nguyện, mỗi người một năm có thể giúp được 1 người nghèo, hay có thể là 2-3 người, mỗi tháng sẽ hỗ trợ họ 200 nghìn đồng.

Với bà, bà nhận hỗ trợ thường xuyên cho 4 hộ nghèo trên địa bàn phường với mức 2,4 triệu đồng/năm. Với Hội chữ thập đỏ của quận, bà cũng hỗ trợ thêm 2-3 hộ.

{keywords}
Bà Lê Thu trao tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Bắc Giang hồi tháng 1/2019. Ảnh: NVCC

Mỗi dịp lễ, tết, ngày thương binh, liệt sĩ… chi hội tán trợ chữ thập đỏ Thăng Long lại vận động từ nhiều nguồn để tặng quà, tiền cho những gia đình có công với cách mạng, những người là thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em khuyết tật mồ côi…

Mỗi khi thiên tai, lũ lụt xảy ra ở đâu đó trên khắp các vùng của cả nước, bà Lê Thu lại vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ đồng bào, chia sẻ những mất mát, đau thương.

Dẫn chứng, trước thiệt hại do bão số 3 xảy ra tại Mường Lát (Thanh Hoá) hồi tháng 8, chỉ trong 2 ngày, chi hội của bà đã vận động quyên góp được 100 triệu đồng. Ngay sau đó, một số thành viên của chi hội đã trực tiếp từ Hà Nội vào để trao quà cho các gia đình bị thiệt hại, trong đó có gia đình của trưởng công an xã hy sinh khi giúp dân ứng phó với mưa lũ.

Giúp được ai, giúp được cái gì thì tôi làm

NSƯT Lê Thu cũng chia sẻ, bà đã cho 8 gia đình ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội) vay vốn, mỗi hộ là 15 triệu đồng (không lấy lãi) để làm ăn.

Trong đó nhiều người thoát nghèo, cũng có những người không trả lại được gốc cho bà Thu vì làm ăn thua lỗ.

“Với những người không trả được tiền, tôi không trách móc gì, chỉ mong họ sớm ổn định cuộc sống mà thôi”, bà Thu nói.

Bà kể, có người được cho vay vốn, khi thấy bà về đã mang tới biếu 20 quả trứng gà và bảo: “Bây giờ bà cho con vay vốn, nuôi được gà, được cá. Do xa xôi mà mỗi lần đánh bắt cá con không mang ra biếu bà được, giờ bà về thì cho con biếu bà ít trứng gà. Bà không nhận thì con tủi thân lắm”.

“Tôi nói, không phải bà chê đâu, nhưng bà gửi lại cho con bán để có thêm vốn, coi như bà nhận rồi, giờ bà cho lại con”.

Vinh dự vì đã có rất nhiều lần được gặp Bác Hồ trong thời gian công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Lê Thu chia sẻ, những việc làm của bà ít nhiều ảnh hưởng từ những câu chuyện của Bác Hồ, đặc biệt trước phong trào “hũ gạo tiết kiệm” để dành mỗi bữa ăn một nắm gạo nhỏ giúp đỡ người nghèo do Bác phát động.

{keywords}
Bà Lê Thu: Những việc làm của tôi ít nhiều ảnh hưởng từ những câu chuyện của Bác Hồ

Trong 10 năm hoạt động, bà Lê Thu dành trọn tiền lương hưu, vận động các nhà hảo tâm được tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Riêng gia đình của bà ủng hộ các hoạt động nhân đạo hơn 300 triệu đồng/năm.

Từ năm 2015 đến năm 2017, bà đã quyên góp trên 3 tỷ đồng để trợ vốn, xây nhà giúp người nghèo, xây cầu, trường học... tại một số tỉnh.

“Tôi nghiệm, từ khi đi làm từ thiện là tôi khoẻ ra, chứ có thời gian tôi yếu lắm, nghĩ làm sao sống nổi đến 80 tuổi, giờ đã 88 rồi”, NSƯT Lê Thu chia sẻ.

Mỗi chuyến đi tỉnh lại khiến các con bà lo lắng vì tuổi bà đã cao. Để các con yên tâm hơn, bà nói sẽ bớt đi xa, thay vào đó bà vẫn làm kế hoạch, vận động từ thiện, nếu bà không đi được thì giao cho các thành viên khác đi hoặc mọi người sẽ trực tiếp về để nhận quà.

“Những việc tôi làm nhỏ bé thôi, không có gì lớn cả, giúp được ai, giúp được cái gì thì tôi làm. Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ được nhiều hơn nữa những người còn khó khăn. Tôi cũng mong có thêm nhiều người đồng hành làm từ thiện để lan tỏa tình yêu thương đến mọi người”, bà Lê Thu nhấn mạnh.

Bà Lê Thu đã được tặng thưởng huân chương Kháng chiến hạng nhất năm 1985; danh hiệu NSƯT năm 2012; Thủ tướng tặng bằng Có công với nước năm 2005, tặng bằng khen năm 2016; Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2010, 2018; được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.

Gia tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho anh hùng La Văn Cầu

Gia tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho anh hùng La Văn Cầu

Mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng La Văn Cầu lại toát lên vẻ hào sảng, bừng bừng khí thế.

Hương Quỳnh