- Dù hành vi của các bị cáo là trực tiếp hay gián tiếp đều gây ra dư luận xấu, làm tổn thương đến uy tín Việt Nam khi triển khai, sử dụng vốn ODA...

Trong các ngày 8 và 9/11, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án quan đường sắt nhận bôi trơn 11 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, tháng 10/2008, Bộ GTVT phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), do Ban quản lý dự án đường sắt (RPMU) là chủ đầu tư.

{keywords}

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh Minh Quang

Ngày 9/9/2009, RPMU đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số công ty khác. Phạm Hải Bằng với tư cách là chủ nhiệm dự án đã nêu ra một số lý do, yêu cầu phía JTC hỗ trợ một khoản kinh phí.

HĐXX sơ thẩm tuyên án:

Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc BQL các dự án đường sắt (RPMU) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) 12 năm tù; 

Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) 11 năm tù; 

Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU) 8 năm, 6 tháng tù; 

Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, nguyên Giám đốc RPMU) 7 năm 6 tháng tù; 

Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU) 5 năm 6 tháng tù; 

Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU) 7 năm 6 tháng tù.

Sau khi JTC chấp thuận ý kiến, Bằng đã thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện.

Kết quả điều tra cho thấy, trong quãng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, JTC đã chuyển Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy 11 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được các bị can sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp đi lại, làm ngoài giờ…, ngoài ra còn chi các hoạt động nghỉ mát… vụ lợi cho tập thể trong đó có quyền lợi cá nhân.

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo từ 5 năm 6 tháng tù đến 12 năm tù và buộc nộp lại tổng số tiền 11 tỷ đồng.

Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo Lục, Đông, Hiếu đã kháng cáo kêu oan. Bị cáo Thái xin giảm nhẹ hình phạt. Vợ của bị cáo Bằng cũng có đơn kháng cáo đề nghị không kê biên căn nhà vì cho rằng đó là tài sản chung của hai vợ chồng.

Bác kháng cáo kêu oan

Xem xét kháng cáo, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, các bị cáo có chức vụ quyền hạn được Nhà nước giao giám sát thực hiện dự án nhưng đã có hành vi gợi ý, nêu khó khăn để yêu cầu được nhận "bôi trơn" 11 tỷ đồng.

Về nguyên tắc, Việt Nam phải chi trả cho các khoản tiền chi phí cho nhà thầu như buổi lễ, hội thảo... Nhưng vì lợi ích cá nhân, các bị cáo khéo léo lợi dụng hoạt động tập thể để lấy tiền của nhà thầu, bỏ ngoài sổ sách kế toán, vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm, không thực hiện nghiêm túc hợp đồng ký kết...

Việc làm này là trái quy định pháp luật, xâm hại hoạt động đúng đắn, quan hệ sở hữu tài chính của cơ quan, tổ chức, nhà nước, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây thiệt hại kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác 2 nước trong việc sử dụng vốn ODA.

Dù hành vi của các bị cáo là trực tiếp hay gián tiếp đều gây ra dư luận xấu trong Việt Nam, Nhật Bản, làm tổn thương đến uy tín Việt Nam khi triển khai, sử dụng vốn ODA...

Xác định các bị cáo không oan, HĐXX tuyên bị cáo Thái 9 năm tù; bị cáo Đông 7 năm tù; Bác kháng cáo của các bị cáo Lục, Hiếu và buộc truy thu với bị cáo Hiếu số tiền 538 triệu đồng sung quỹ nhà nước.

Người có nghĩa vụ liên quan, vợ bị cáo Bằng cho rằng mảnh đất 553m2 là tài sản chung của hai vợ chồng. Về việc này, HĐXX khẳng định, có căn cứ xác nhận đây là đồng sở hữu. Việc kê biên toàn bộ ngôi nhà chưa phù hợp luật hôn nhân gia đình, luật dân sự nên quyết định chỉ kê biên 1/3 khối tài sản này.

T.Nhung