Tính tới ngày 1/12, đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình, với hàng ngàn khuyến mại lên tới 50% áp dụng cho cả hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm số hóa lẫn chuyển phát.


{keywords}
Đại diện Bộ Công thương, Bộ TT&TT, VNPost và VECOM nhấn nút khai trương website. Ảnh: T.C

Con số này được ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT (Bộ Công thương) chia sẻ tại sự kiện Lễ phát động Ngày mua sắm trực tuyến 2014, diễn ra chiều nay, 1/12, tại Hà Nội. Nó dễ dàng vượt xa kỳ vọng ban đầu của ban tổ chức, vốn chỉ dừng lại ở mức 500 - 600 doanh nghiệp đăng ký. "Phần lớn các doanh nghiệp đều đưa ra chính sách chiết khấu và khuyến mại hấp dẫn để lôi cuốn người dùng", ông Linh cho biết.

Là hoạt động nằm trong Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngày mua sắm trực tuyến diễn ra năm nay là năm đầu tiên, rơi vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12, tức là ngày 5/12 tới đây. Vào ngày này, các ưu đãi sẽ áp dụng cho mọi giao dịch mua bán diễn ra trên các website tham gia Chương trình trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam từ 0h00 đến 24h00. Ưu đãi chỉ áp dụng khi khách hàng đặt hàng trực tuyến tại website chính thức www.OnlineFriday.vn.

Mục đích của chương trình, theo ông Trần Hữu Linh, là để nâng cao nhận thức của người dùng về thương mại điện tử, khi mà hạ tầng cho mua sắm trực tuyến tại Việt nam đã phát triển mạnh trong thời gian qua và tiềm năng của thị trường là rất lớn. Hơn nữa, ý tưởng về một ngày mua sắm trực tuyến cũng không phải quá mới bởi nhiều nước có nền thương mại điện tử phát triển như Mỹ đã triển khai từ lâu. Ban tổ chức dự định sẽ duy trì sự kiện này thường niên để thúc đẩy mua sắm trực tuyến trong nước cất cánh.

Mặc dù vậy, tại Việt Nam, việc biến tiềm năng hiện có thành hiện thực còn rất nhiều vấn đề như lòng tin người dùng vào mua sắm trực tuyến chưa cao, hạ tầng thanh toán còn chưa thật hoàn thiện, thân thiện với người dùng. Đặc biệt là dịch vụ chuyển phát hàng hóa còn yếu, chậm, nhiều khi không đảm bảo được chất lượng sản phẩm mà người dùng giao dịch. Chính vì thế mà sự kiện năm nay đã tập trung vào khâu chuyển phát hàng hóa, một khâu mà theo Ban tổ chức là rất "quan trọng đối với thương mại điện tử và có thể quyết định tăng hoặc giảm giá thành của những mặt hàng bán qua mạng".

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) cũng đồng tình rằng nếu các doanh nghiệp bán hàng, chuyển phát, thanh toán đứng riêng, hoạt động độc lập thì sẽ không thể tạo thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho Thương mại điện tử. "Một sự kiện như Ngày mua sắm trực tuyến sẽ là cơ hội để tất cả các doanh nghiệp bắt tay với nhau tạo thành chuỗi cung ứng". Các doanh nghiệp chuyển phát sẽ có thể trao đổi, liên kết với các đối tác bán hàng trực tuyến để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dùng tốt hơn, thể hiện ở việc mọi giao dịch chuyển phát trong khuôn khổ sự kiện năm nay sẽ đều được hỗ trợ miễn phí.

Sự kiện năm nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, quen thuộc trong lĩnh vực thương mại điện tử trong nước như Lazada, Sendo, Tiki, Lingo, VC Corp, bên cạnh những cái tên như VNPost, Viettel Post, Giaohangnhanh, TNT, PTI, EMS, Smartlink, MobiFone...

T.C