Thôn Liên Sơn 2 là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Phước Vinh và huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Lãnh đạo xã cho biết nguồn vốn từ các chương trình, dự án thuộc các chương trình MTQG, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sinh kế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...
Đời sống người dân nhờ đó ngày càng cải thiện rõ rệt. Gia đình ông Mang Linh, thôn Liên Sơn 2 thuộc diện hộ nghèo. Dù có gần 1ha đất rẫy trồng ngô, đậu nhưng chủ yếu dựa vào nước trời nên năng suất bấp bênh. Mới đây, ông được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò cái nuôi sinh sản và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chuỗi giá trị, nhờ đó gia đình đã cải thiện đáng kể đời sống.
Ông Linh là một trong hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Ninh Phước được hỗ trợ sinh kế thông qua các mô hình. Riêng với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn hơn 38 tỷ đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo và các chương trình khác tại huyện Ninh Phước đã giúp địa phương này triển khai 33 dự án, hỗ trợ cho 328 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân tại 4 xã Phước Hậu, Phước Thái, An Hải và Phước Hải được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ngoài ra, các hộ dân trong huyện được hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng cho các hộ dân tham gia dự án chăn nuôi...
Báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 huyện Ninh Phước cho thấy cuối năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo của huyện là 5,51% (tương đương 2.188 hộ), hộ cận nghèo còn 8,82% (3.503 hộ). Đến cuối năm 2023, tỉ lệ giảm hộ nghèo giảm còn 1,84% (758 hộ), hộ cận nghèo giảm còn 5,7% (2.347 hộ).
Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện là hơn 16,3 tỉ đồng. Trong đó, huyện đã giải ngân để thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...
Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt về du lịch văn hóa, cộng đồng, huyện Ninh Phước coi đây là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững, nhất là vùng nghèo, khó khăn.
Nhắc đến Ninh Phước, nhiều người nhớ ngay tới các sản phẩm đặc thù như nho, táo, măng tây xanh, bò, dê, cừu... Bên cạnh đó, huyện Ninh Phước còn có các làng nghề truyền thống: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ; nhiều địa danh, điểm đến nổi tiếng: Tháp Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar, đồi cát Nam Cương, bãi đá cổ Karang, vườn nho Ba Mọi,…
Để tạo nguồn lao động phục vụ cho cơ sở du lịch, tạo việc làm, thu nhập ổn định đủ nuôi sống bản thân và gia đình cho người lao động, huyện Ninh Phước đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo. Các lớp học tập trung vào nội dung nghiệp vụ bếp, nhân giống lúa, kỹ thuật trồng nấm,…
9 tháng đầu năm, Ninh Phước giải ngân hơn 1 tỷ đồng cho 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (8 lớp nông nghiệp và 6 lớp phi nông nghiệp, 506 học viên (266 nữ; 111 người thuộc hộ nghèo; 315 người thuộc hộ cận nghèo; 257 người thuộc dân tộc thiểu số). Điều đáng nói, sau khi tham gia các lớp học, nhiều lao động đã có việc làm tại các cơ sở khách sạn, khu du lịch, điểm vui chơi… Mức thu nhập ổn định cùng các kỹ năng chuyên môn học được giúp những lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và lao động nói chung thêm động lực gắn bó, phát triển.
Kết quả rà soát sơ bộ đến đầu tháng 11/2024, toàn tỉnh Ninh Thuận có 5.124 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,69% giảm 1,52% so với năm 2023; Hộ cận nghèo còn 7.443 hộ, chiếm tỉ lệ 3,9%, giảm 0,71% so với cùng kỳ năm trước.
Tại huyện Ninh Phước, tổng số hộ nghèo của huyện giảm còn 474 hộ, chiếm tỉ lệ 1,15%, giảm 0,31% so với cuối năm 2023; tổng số hộ cận nghèo 2.068 hộ, chiếm tỉ lệ 5,01%, giảm 0,69% so với cuối năm 2023. Với kết quả trên, công tác giảm nghèo bền vững huyện Ninh Phước đã đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra.