Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.

Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%...

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên.

Với mục tiêu xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, dự án đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tuyên Quang

Thực hiện Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh đã bố trí vốn ngân sách Nhà nước Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 là trên 323 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: trên 313,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương (bố trí tối thiểu 3% so với nguồn vốn được Trung ương phân bổ): trên 9,4 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai thực hiện 7 dự án của Chương trình MTQG; Kế hoạch đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hộ nghèo DTTS giảm từ 4%/năm trở lên, các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên. Đảm bảo 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp...

Xác định giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng để giảm nghèo bền vững, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê lập danh sách thành viên trong 23.558 hộ gia đình nghèo có chiều thiếu hụt về việc làm để lập danh sách lao động không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không có hợp đồng lao động giai đoạn 2022 - 2025. Đây là cơ sở để UBND huyện, thành phố đưa ra giải pháp tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, hỗ trợ việc làm bền vững. Qua đó, giúp nhiều lao động nghèo có việc làm, thu nhập ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, việc thực hiện hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi là việc làm thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từng bước tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định. Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, động viên người dân duy trì và phát triển mô hình đạt hiệu quả.

Ngoài ra, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên có thêm kỹ năng, động lực vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, có thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Phú Thọ:

Chương trình giảm nghèo được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Trong đó tập trung vào các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách, từ đó thoát nghèo. Bằng phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội, đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đã triển khai thành công 20 chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, có gần 21.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn khôi phục sản xuất.

Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn tăng cường đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; hầu hết các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo đảm bảo tiến độ. Phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhân rộng các điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo tạo sức lan toả trong xã hội…

Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh.

Hà Giang:

Với phương châm “không cam chịu đói nghèo”, “Biến khó khăn thành cơ hội phát triển”… Nhiều chương trình, dự án lớn được triển khai thực hiện. 

Ngày 27/4/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 26 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Theo đó, nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện.

Trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và thúc đẩy phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng giá trị kinh tế và bền vững, triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo.

Song song với đó là chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Chương trình giảm nghèo bền vững) đã chủ động bám sát cơ sở, tích cực, hiệu quả trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các huyện nghèo, xã nghèo như đường giao thông liên xã, liên thôn; trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt… Đặc biệt, việc triển khai tích cực 07 dự án giảm nghèo (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình) đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng xau, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản nên có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.