Thời gian gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các clip ghi lại cảnh thi ăn uống. Ví dụ, một người có thể ăn 50 quả trứng vịt lộn, 30 bát tiết canh, 8 bát cháo lòng hay cả chục tô hủ tiếu... Nhiều người tò mò tại sao họ có thể ăn nhiều như vậy.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội), cho biết dạ dày của mỗi người có một thể tích khác nhau, sức ăn cũng không giống nhau. Có người chỉ ăn ăn 1 đến 2 quả trứng vịt lộn, 1 bát cơm đã no. Nhưng người khác có thể cùng lúc ăn 5-7 bát, thậm chí hàng chục bát. Dạ dày có thể giãn ra, trong quá trình ăn uống dạ dày sẽ co giãn để thích ứng với lượng đồ ăn nạp vào.

Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cảnh báo việc ăn quá nhiều tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe lâu dài. Nếu liên tục tiêu thụ lượng thức ăn lớn, trong thời gian dài, bạn có thể bị đau dạ dày, dư thừa chất dinh dưỡng gây béo phì

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, dạ dày của người bình thường có khả năng chứa khoảng 1,5 đến 2 lít thức ăn và nước. Tuy nhiên, sức chứa này có thể thay đổi từ người này sang người khác và còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như tác động của các yếu tố khác nhau như độ tuổi, giới tính và thói quen ăn uống.

Dạ dày của mỗi người có thể chứa 1,5 đến 2 lít thức ăn vào nước. Ảnh chụp từ màn hình từ một Tiktoker ăn 8 bát cháo lòng.

Khi ăn, dạ dày mở ra để chứa thức ăn và xử lý nó bằng cách tiêu hóa và trộn lẫn với dịch tiêu hóa. Sau đó, thức ăn sẽ từ từ được tiêu hủy và di chuyển vào ruột non để tiếp tục quá trình tiêu hóa. Trong quá trình này, dạ dày có khả năng mở rộng để đáp ứng lượng thức ăn và nước cần tiêu hóa.

Cảm giác no sau khi ăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

- Lượng thức ăn: Yếu tốt này ảnh hưởng đến cảm giác no. Một bữa ăn nhiều hơn sẽ làm bạn cảm thấy no hơn. 

- Lượng calo nạp vào: Thức ăn chứa calo nhiều hơn thường làm bạn no nhanh hơn. Các loại thức ăn có nhiều protein và chất xơ thường làm bạn cảm thấy no lâu hơn so với thức ăn nhiều đường và dầu mỡ. 

- Tốc độ ăn: Nếu bạn ăn quá nhanh, não không đủ thời gian để cảm nhận cảm giác no. Hãy ăn chậm để cơ thể có cơ hội gửi tín hiệu cho não rằng bạn đã đủ no.

- Lượng nước uống: Uống nước trong suốt bữa ăn có thể giúp bạn cảm thấy no nhanh hơn. 

- Cơ địa cá nhân: Mỗi người có ngưỡng cảm giác no khác nhau dựa trên cơ địa cá nhân. 

- Thời điểm ăn: Người ta thường có thể ăn nhiều hơn vào bữa sáng hoặc bữa trưa so với bữa tối. Không có một lượng cụ thể thức ăn có thể làm bạn cảm thấy no vì điều này phụ thuộc vào các yếu tố trên. Để duy trì sự cân bằng và dinh dưỡng cần thiết, hãy ăn theo khẩu phần cân đối và lắng nghe cơ thể.

Tuy nhiên, PGS Tuấn cho rằng một người cần khoảng 2.000 calo/ngày. Do đó, tốt nhất, người dân chỉ nên tiêu thụ thức ăn để đảm bảo lượng calo này, không ăn quá nhiều để hạn chế nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật.