Ngày 29/8, thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết hai người đàn ông đến khám tầm soát ung thư dạ dày vào ngày 28/8. Họ không có triệu chứng đặc biệt, chỉ cảm thấy hơi đau thượng vị giống viêm dạ dày thông thường.

Kết quả nội soi, sinh thiết giải phẫu cho thấy một bệnh nhân nghi ung thư dạ dày ở vùng bờ cong nhỏ. Trường hợp còn lại cũng có dấu hiệu tổn thương ở hang vị, theo dõi ung thư dạ dày sớm.

Khi nghe bác sĩ tư vấn về nguy cơ ung thư dạ dày, hai bệnh nhân đều bất ngờ. Khi biết mình có nguy cơ mắc bệnh, họ thấy may mắn vì được phát hiện sớm. 

Theo bác sĩ Cảnh, hai bệnh nhân đều may mắn vì đã chủ động tầm soát ung thư dạ dày sớm. Nếu bệnh nhân cho rằng các dấu hiệu mờ nhạt xuất hiện chỉ là viêm dạ dày thông thường, không đi khám sớm, rất có thể, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 3, 4.

Bác sĩ Cảnh nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. 

Ung thư dạ dày là một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là bệnh có thể được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả nếu chúng ta nhận thức đúng và thực hiện các chương trình sàng lọc định kỳ.

Theo nghiên cứu tại Nhật Bản và châu Âu, tỷ lệ sống sau 5 năm của nhóm bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện sớm đạt trên 90%. Tại Nhật Bản, nhờ có chương trình khám sàng lọc, hằng năm, gần 10.000 ca ung thư dạ dày được phát hiện sớm, tương ứng với 50% tổng số bệnh nhân được điều trị. 

Một trong những nguy cơ gây ra ung thư đường tiêu hóa là yếu tố di truyền. Ngoài ra, nhiều yếu tố nguy cơ khác như lối sống không lành mạnh, nghiện rượu, hút thuốc, tăng cân và thiếu hoạt động thể chất.