Con số hơn 120 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào so với số liệu tương ứng của nhiều nước là minh chứng tốt cho kết quả chống dịch này.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, tình hình diễn biến dịch ở nước ta trong thời gian tới sẽ trở nên phức tạp và nguy hiểm, khả năng dịch lây nhiễm rộng ra cộng đồng là rất cao. Chúng ta đang bước vào giai đoạn có tính quyết định cho toàn bộ công cuộc chống dịch.

Điều đó đòi hỏi phải xem xét các biện pháp chống dịch đang áp dụng đã đủ chưa, có cần sửa đổi, bổ sung gì nhằm chống dịch có hiệu quả nhất. Vấn đề quan tâm ở đây chính là xem xét để đưa ngay các biện pháp mạnh hơn vào cuộc chiến chống dịch.

{keywords}
 CDC Hà Nội phun khử khuẩn trên phố Trúc Bạch sau khi hết 14 ngày cách ly. 

Kinh nghiệm của các nước trong chống dịch lần này cũng là đi dần từ biện pháp bình thường, tăng dần lên các biện pháp mạnh hơn và cuối cùng gần như là áp dụng các biện pháp mạnh nhất mà luật pháp cho phép.

Đó là các biện pháp như xét nghiệm, xét nghiệm rộng, hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa trường học, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ công cộng, cách ly, phong tỏa, ban bố tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật… Kinh ngiệm  cho thấy có nước thực hiện các biện pháp mạnh hơn kịp thời, nhưng cũng có nước các biện pháp mạnh hơn này được đưa vào áp dụng quá muộn và do đó kéo theo những tổn thất to lớn. 

Việt Nam ta về cơ bản cũng giống các nước trong lựa chọn các biện pháp. Trong các biện pháp đã và đang được thực hiện có biện pháp chỉ mang tính khuyến cáo, thỉnh cầu. Ví dụ như khuyến cáo người dân không nên tụ tập đông người, chẳng hạn như tại các đám tang, đám cưới; khuyến cáo người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường; nên đeo khẩu trang…

Trên thực tế, những khuyến cáo này đã được người dân, tổ chức đa phần tự giác tuân theo. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều trường hợp không như vậy. Trong phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ hiện vẫn còn tình trạng tập trung ăn nhậu nhiều tại các quán ăn, sàn nhảy, điểm vui chơi, một số nhà thờ lớn vẫn làm lễ đông người. Sở dĩ có tình trạng này vì các biện pháp liên quan áp dụng không có tính bắt buộc.

Có những người nhiễm bệnh chưa được phát hiện đến dự những sự kiện, hoạt động đông người như vừa nêu thì quả là rất nguy hiểm. Biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn lây lan kiểu này chính là không cho phép tập trung đông người, đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ công cộng và dừng các hoạt động lễ hội đông nguòi... Nếu có cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến người dân về các biện pháp kiểu này rất có thể sẽ cho ra kết quả là đa số đồng tình và ủng hộ.

Luật  Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của ta năm 2007 cũng đã dự liệu cho việc triển khai các biện pháp cấm kiểu này. Đó là các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch.

Thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu Thường vụ không thể họp ngay thì thuộc về Chủ tịch nước theo đề nghị của Thủ tướng. Vấn đề chỉ còn là cân nhắc đã đến thời điểm phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch hay chưa mà thôi.

Đinh Hoà,
Hồng Hạnh

Đất nước chính thức bước vào 'thời chiến'

Đất nước chính thức bước vào 'thời chiến'

Cuộc họp Bộ Chính trị cuối tuần trước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”. Thủ tướng khẳng định, “đã chuẩn bị sẵn sàng kể cả tình huống xấu nhất”.