- Cách đây 3 năm, vợ tôi ngoại tình với một người đàn ông cùng cơ quan. Dù tôi đã hết lòng khuyên can nhưng cô ấy vẫn không chịu chấm dứt mối quan hệ, thậm chí còn bỏ tôi và con trai chưa tròn tuổi để ra ngoài sống chung với người đàn ông đó. 

TIN BÀI KHÁC

Cô ấy không đoái hoài gì đến con mình, nhưng khi tôi đòi ly hôn thì lại đòi quyền nuôi con, và phải chia tài sản là một nửa căn nhà cha mẹ mua cho tôi trước khi lấy vợ (đứng tên tôi) mới đồng ý kí đơn. 

Xin hỏi luật sư tôi có quyền đơn phương xin ly hôn không? Tôi không muốn chia cho vợ căn nhà đó thì có phải chia nếu ly hôn không? Nếu tôi có đủ bằng chứng chứng minh cô ấy không có đủ năng lực tài chính thì tôi được quyền nuôi con không?


{keywords}
Vợ tôi không làm tròn trách nhiệm của mình nhưng lại đòi hỏi (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Quyền yêu cầu ly hôn

Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn” nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này “3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. 

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 56 sau khi hòa giải tại Tòa án không thành thì Toà án giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của một bên “nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.” 

Thứ hai: Chia tài sản khi ly hôn.

Nếu xác định đây tài sản riêng của bạn. Khoản 1 Điều 43 Luật này quy định “1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.” Nếu bạn có đầy đủ căn cứ để chứng minh căn nhà đứng tên bạn có được trước khi kết hôn (do bố mẹ bạn mua cho bạn) và chưa nhập vào tài sản chung thì đó là tài sản riêng của bạn. Bạn có quyền định đoạt đối với căn nhà đó. Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định: “4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”

Nếu căn nhà là tài sản riêng của bạn thì sau khi ly hôn căn nhà vẫn thuộc về bạn. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Nếu người chồng cho rằng đó là tài sản riêng thì phải chứng minh đó là tài sản riêng, nếu không chứng minh được Tòa án sẽ xác định đó là tài sản chung của vợ chồng, để chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Thứ ba: Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

Bạn không nêu rõ con bạn bao nhiêu tuổi, nên luật sư hướng dẫn quy định sau để bạn tham khảo. Nếu con bạn dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thoả thuận khác.

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc