- Nhiều ý kiến cho rằng những người làm khoa học ở Việt Nam còn đang rất dễ dãi với nhau, từ cấp cử nhân cho tới các ứng viên GS, PGS. Những vụ kiện tụng, tố cáo đạo văn trong vài năm trở lại đây là một minh chứng rõ ràng cho tư duy qua quýt ấy.
Ý thức và hiểu biết của sinh viên còn rất sơ khai, trong khi giảng viên không đòi hỏi ở sinh viên bất cứ tiêu chuẩn đạo đức học thuật nào. Thậm chí, có luận văn đã phát hiện đạo văn nhưng lại vỗ vai nhau cho qua. Ở cấp cao hơn, những vị trưởng khoa, ứng viên PGS, GS bị tố cáo sao chép tới 50% luận văn của người khác. Vẫn còn có những tranh cãi “đạo văn hay trích dẫn thiếu chuyên nghiệp” chưa được giải thích thoả đáng.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về đạo đức học thuật ở các cơ sở đào tạo mới chỉ ở mức độ đơn lẻ, rải rác. Chế tài xử phạt ở cấp đại học gần như không có.
Một cơ sở lớn như ĐHQG Hà Nội cũng mới chỉ đưa ra văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học vào năm 2017. Có chăng ở một số đại học ngoài công lập, việc này có phần được làm sớm hơn và chặt chẽ hơn các trường đại học công lập.
Đã đến lúc các trường, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý giáo dục cũng như mỗi cá nhân người làm khoa học cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
Cần chế tài xử phạt mạnh mẽ
TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập nghiên cứu giáo dục đại học, cho rằng, hiện nay mức phát triển để hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam có sự chênh lệch lớn giữa các trường.
“Đáng lẽ với vai trò đầu tàu, các trường tốp đầu khối công lập cần phải là những trường đi tiên phong trong chống đạo văn. Nhưng với các trường công lập, sức ì là một yếu tố cản trở lớn, trong khi với một số trường ngoài công lập mới thành lập thì dễ triển khai cái mới hơn. Tuy nhiên số này chiếm rất nhỏ. Vậy nên nếu chỉ dựa vào các trường để thúc đẩy chống đạo văn có thể sẽ ít hiệu quả hoặc sự thay đổi sẽ chậm. Tốt nhất Bộ GD-ĐT cần có động thái bằng các quy định cụ thể về đạo văn và cách thức trích dẫn”.
“Chúng ta làm mạnh vài vụ, giới học thuật sẽ phải tuân thủ nghiêm túc" - ông Ngô Quý Nhâm, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội |
Theo TS. Quyên, muốn thay đổi tư duy của cả hệ thống thì quy định về đạo văn phải thực hiện ở quy mô hệ thống, tức là toàn bộ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các hội đồng khoa học, hội đồng chức danh, các tạp chí, nhà xuất bản cần phải áp dụng chặt chẽ các quy định này. Thậm chí khái niệm về đạo văn và cách thức trích dẫn cần phải được dạy từ bậc phổ thông cho học sinh.
Giảng viên Ngô Quý Nhâm (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) cho rằng, sau khi đưa ra chuẩn mực chung và chế tài xử lý, các trường, viện nghiên cứu phải nghiêm túc thực hiện chuẩn mực đó một cách có hệ thống. “Bộ GD-ĐT cần phải đưa ra chuẩn chung. Các trường đại học bắt buộc phải có những quy chế cáo buộc và xử lý đạo văn. Những quy chế này phải trở thành cẩm nang cho sinh viên”.
Ông Nhâm cho rằng, mức độ xử phạt tuỳ trường hợp có thể từ cho làm lại tới huỷ kết quả, thậm chí cho nghỉ học. “Chúng ta làm mạnh vài vụ, giới học thuật sẽ phải tuân thủ nghiêm túc. Với các công cụ và hệ thống công nghệ thông tin như bây giờ, ngày hôm nay có thể che giấu được hội đồng, nhưng vài tháng sau, vài năm sau vẫn có thể phát hiện và bị xử phạt”.
Chế tài xử lý không chỉ dừng lại ở mức huỷ kết quả, trả hồ sơ, mà còn cần yếu tố răn đe, ví dụ như ở các hội đồng chức danh, với những TS bị kết luận đạo văn sẽ không được phép xét duyệt trong vòng một vài năm. “Vì thực tế vẫn có tình trạng bị cáo buộc đạo văn, xin rút, năm sau lại làm hồ sơ và bỏ bài cáo buộc đó đi, ứng viên lại được công nhận. Không còn cách nào khác là áp dụng những chế tài mạnh mẽ” – ông Nhâm nói.
‘Lòng tự trọng là nguyên tắc đầu tiên’
Các biện pháp luật hoá được nhắc đến nhiều trong câu chuyện chống đạo văn ở Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố được cho là quan trọng và quyết định nhất để duy trì sự trong sạch cho nền khoa học lại là một yếu tố chủ quan: Lòng tự trọng, sự liêm chính cá nhân của mỗi nhà khoa học.
GS. Phan Thiện Nhân, Trưởng khoa Cơ khí, ĐHQG Singapore, Phó Tổng biên tập tạp chí Physics of Fluids, chia sẻ, việc có bài báo xuất bản được coi là một quá trình bình thường đối với bất cứ giáo sư nào ở đây.
"Khi bị đối sánh, sớm hay muộn, nếu bạn đạo văn, ai đó sẽ phát hiện ra. Và khi điều đó xảy ra, tất cả những công trình của bạn sẽ đều bị nghi ngờ, và sự nghiệp của bạn sẽ đổ sập" - GS. Phan Thiện Nhân, ĐHQG Singapore |
“Chúng tôi không bắt các giáo sư phải kiểm tra đạo văn, nhưng có cung cấp cho họ những công cụ (phần mềm iThenticate) để làm việc này”.
Theo ông, và cũng là yếu tố mà ĐHQG Singapore đánh giá cao nhất như một biện pháp để chống đạo văn, đó chính là sự liêm chính cá nhân. Liêm chính cá nhân là nguyên tắc đầu tiên trong bộ quy tắc ứng xử trong xuất bản của ngôi trường này.
“Đạo văn là một sự sỉ nhục với tính liêm chính của cá nhân. Nếu bạn liêm chính, tất cả những sản phẩm của bạn sẽ được đánh giá cao và được tin tưởng. Nếu không, những điều tồi tệ hơn sẽ đến”.
Ông cũng cho rằng, với sự tiên tiến trong phân tích dữ liệu và các công cụ tìm kiếm, bất cứ điều gì bạn viết ra và xuất bản cũng đều được lưu trữ và đưa vào cơ sở dữ liệu.
“Khi bị đối sánh, sớm hay muộn, nếu bạn đạo văn, ai đó sẽ phát hiện ra. Đó không phải là vấn đề ‘nếu’ mà là ‘khi nào’. Và khi điều đó xảy ra, tất cả những công trình của bạn sẽ đều bị nghi ngờ, và sự nghiệp của bạn sẽ đổ sập.
Các cơ sở đào tạo có thể tuyên truyền, phổ biến rằng đạo văn sẽ bị coi là một hành vi vi phạm nghiêm trọng và phải bị xử phạt nặng, ví dụ như giáng chức. Trong tương lai gần, biện pháp này sẽ có tác dụng”.
3 cấp độ ngăn ngừa đạo văn “Ngăn ngừa đạo văn trong trường học có 3 cấp độ. Trước tiên, phải dựa vào sự thành thật của người học. Về nguyên tắc đạo đức, người thực hiện bất cứ công trình gì luôn phải rằng cam kết đây là sản phẩm của tôi, không kế thừa hoặc sao chép từ công trình nào đã được công bố trước đó. Cam kết đó cũng là cơ sở pháp lý để người ta có thể buộc tội anh khi phát hiện anh đạo văn. Có rất nhiều lĩnh vực khoa học mà cơ sở dữ liệu nhiều đến mức vô vàn, và không ai có thể biết hoặc kiểm tra hết được. Khả năng xảy ra đạo văn rất cao; nên cần có cam kết cá nhân. Cấp độ thứ 2, với các bậc học từ cao học đến nghiên cứu sinh; số người học được hướng dẫn bởi một ông thày là không nhiều. Sự kiểm tra của người hướng dẫn là trách nhiệm phải làm và là kênh tốt nhất. Người thầy phải là người kiểm tra sơ bộ, chứ không đợi Hội đồng đưa phần mềm ra đối chiếu. Một người thầy có năng lực khoa học thực sự, đã từng tiếp xúc với học trò, hiểu năng lực của học trò đến đâu thì chỉ cần hỏi vài ba câu là có thể biết ngay rằng đề tài và đề cương do học trò trình là do anh ấy tự nghĩ ra hay đi “mượn” của ai. Cấp độ thứ 3 mới là sử dụng phần mềm để kiểm tra. Việc sử dụng phần mềm chỉ thích hợp với số lượng đông đảo, ở cấp đại học; nơi mà ông thày không thể nào kiểm tra từng học trò xem có sao chép luận văn của học trò khóa trước hay không! Ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ lâu đã có Quy định về liêm chính học thuật; và cũng đã thành lập Ủy ban đạo đức khoa học từ lâu. Ủy ban này chịu trách nhiệm phân xử khi có công trình của người học hoặc giảng viên, nghiên cứu viên bị tố cáo là đạo văn...; và chúng tôi cũng đã dùng phần mềm để chống đạo văn từ 10 năm nay". GS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng |
Nguyễn Thảo
Các trường "mon men" sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn
Ở Việt Nam, một số trường đại học mới bước đầu thực hiện truyền thông nội bộ và trang bị những công cụ để phát hiện đạo văn.
Chống đạo văn: "Có ai nói cho các em đâu!"
Bao nhiêu phần trăm sinh viên đại học, học viên cao học biết cách viết một bài tiểu luận đảm bảo tiêu chuẩn về đạo đức học thuật