Một lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của hải quân Trung Quốc được trang bị đầy đủ đã tới vùng cực nam mà Bắc Kinh lớn tiếng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

>> TQ bóp méo sự thật vụ bắn tàu cá Việt Nam

Các tàu hải quân TQ tại bãi đá James. Ảnh: scmp 


Động thái bất ngờ này của Trung Quốc đã khiến khu vực lo ngại. Một đội tàu 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đã tới bãi đá James - cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.

Tân Hoa xã hôm qua mô tả, lực lượng đặc nhiệm cùng thủy thủ đoàn đã tập trung trên boong tàu Tỉnh Cương Sơn, để thề "bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia, hướng tới giấc mơ một Trung Quốc mạnh mẽ".

"Đây là một thông điệp mạnh mẽ bất ngờ mà lực lượng này gửi đi trong vai trò mới khác hẳn trước đây là tuần tra khu vực", Gary Li, nhà phân tích cao cấp tại IHS Fairplay ở London nói. "Nó không chỉ là số ít tàu bình thường mà là tàu đổ bộ mang theo lực lượng đặc nhiệm và có cả máy bay, tàu hộ tống tốt nhất của hải quân Trung Quốc", ông nhấn mạnh.

"Chúng tôi chưa từng chứng kiến quy mô như thế này cả về số lượng, chất lượng ở cực phía nam", nhà phân tích Gary cho biết.

Các tàu đổ bộ được coi là một trong những loại tàu hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc. Việc triển khai các tàu này từ phía Trung Quốc luôn được dõi theo sát sao. Trước đó, lần đầu tiên, Trung Quốc đã triển khai tàu đổ bộ trong sứ mệnh chống hải tặc ở vùng Sừng châu Phi.

Ngày 19/3, Trung Quốc đã điều 4 tàu chiến (trong đó có tàu đổ bộ nói trên) từ Hải Nam ra Biển Đông và tới tây Thái Bình Dương để tập trận. Các hình ảnh trên nhiều trang web ở Trung Quốc cho biết, lực lượng đặc nhiệm nước này đã diễn tập đổ bộ bãi biển với sự hộ tống của trực thăng và tàu.

Tin tức tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện ở bãi đá James đêm qua đã thu hút sự chú ý của các quan chức quân sự trong khu vực. "Rõ ràng là sự thể hiện chủ quyền, với lực lượng đặc nhiệm đổ bộ", một quan chức quan sát các diễn biến này cho biết. "Quần đảo Trường Sa là một chuyện, nhưng tới bãi đá James lại là việc hoàn toàn khác hẳn. Một lần nữa, Trung Quốc đã không ngại ngần gửi thông điệp tới khu vực - và trong một năm khi Brunei làm chủ tịch ASEAN - nó mang tính biểu tượng khá mạnh mẽ".

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh hàng loạt hoạt động gây hấn trên một số vùng biển tranh chấp như biển Hoa Đông và Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của nhiều nước Đông Nam Á, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu như toàn bộ vùng biển này. Giới quan sát đã bày tỏ sự lo ngại trước các động thái gây hấn của Trung Quốc. Theo họ, tranh chấp biển trong khu vực có nguy cơ châm ngòi cho xung đột vũ trang.

Thái An (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)