1. Hồ Tây có từ khi nào?

  • A. Thời Hùng Vương
  • B. Thời nhà Lý
  • C. Thời nhà Đinh
Chính xác

Sách Tây Hồ chí ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương. Bấy giờ nơi này là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ.

2. Ngôi chùa nổi tiếng tọa lạc trên hồ Tây có tên là gì?

  • A. Chùa Một Cột
  • B. Chùa Quán Sứ
  • C. Chùa Trấn Quốc
Chính xác

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây. Chùa có lịch sử gần 1.500 năm và được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Dưới thời nhà Lý và nhà Trần, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long.

3. Loài nào dưới đây được coi là "đặc sản tiến vua" nổi tiếng một thời ở hồ Tây?

  • A. Tôm
  • B. Sâm cầm
  • C. Rươi
Chính xác

Hồ Tây xưa có một loại chim trời quý hiếm là sâm cầm. Cứ đến mùa đông, loài chim này lại từ phương Bắc bay về hồ Tây kiếm ăn.

Người ta đồn đại chim này bổ dưỡng nên nhiều người mua buôn mang đi bán ở các nơi. Chuyện thịt sâm cầm bổ dưỡng đến tai vua và thế là các vua Nguyễn bắt dân Nghi Tàm hằng năm phải tiến vua. 

Từ khoảng năm 1994, chim sâm cầm không thấy trở về hồ Tây.

4. Phủ Tây Hồ nhô ra giữa Hồ Tây thờ ai?

  • A. Công chúa Liễu Hạnh
  • B. Thánh Trần
  • C. Bà Huyện Thanh Quan
Chính xác

Phủ Tây Hồ là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.

Tục truyền rằng, công chúa Liễu Hạnh vốn là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ, phát hiện ra đây là nơi địa linh, sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.

Bà đã giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn, bà được nhà vua phong "mẫu nghi thiên hạ", là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) của Việt Nam.

5. Hồ Trúc Bạch được tách ra khỏi hồ Tây từ khi nào?

  • A. Thế kỷ 15
  • B. Thế kỷ 16
  • C. Thế kỷ 17
Chính xác

Hồ Tây và hồ Trúc Bạch vốn là một. Từ thế kỷ 17, người dân đánh cá quanh vùng đắp con bờ nhỏ từ Yên Hoa (Yên Phụ) xuống Yên Ninh cho khỏi đi vòng, rồi sóng vỗ, thời gian xô lở, năm nào cũng phải đắp lại cho vững, thành ra con đường có tên đê Cố Ngự (nghĩa là giữ cho vững).

Do những người vẽ bản đồ và kẻ biển tên phố Hà Nội thời Pháp thuộc thường dùng chữ Việt không dấu, nên lâu dần người dân đọc trệch thành đường Cổ Ngư. Sau này, đường được tên là đường Thanh Niên.