- Diễn viên điện ảnh, lái xe mới học đến lớp 6, nhưng lại được Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh đặt ngồi vị trí chủ tịch HĐQT, giám đốc,...
Trong đại án Oceanbank, có hai nhân vật là bị cáo Trần Văn Bình (SN 1966, ở TP.HCM), nguyên Tổng giám đốc công ty Trung Dung và Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, ở Ninh Bình), nguyên Chủ tịch HĐQT công ty BSC từng thoát tội.
Sau khi điều tra bổ sung, Trần Văn Bình bị buộc tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, còn Hoàng Thị Hồng Tứ bị cáo buộc phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Bình cho biết, anh ta mới học đến lớp 6. Vậy tại sao Bình lại có thể ngồi ghế giám đốc?
Tại cơ quan điều tra, Bình từng khai, anh ta là lái xe cho Tập đoàn Thiên Thanh. Đầu tháng 12/2010, đột nhiên Bình được Phạm Công Danh và Ban lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu ngồi ghế Giám đốc công ty Trung Dung, hưởng lương 5 triệu đồng/ tháng.
Theo cáo buộc, Phạm Công Danh mới là người điều hành công ty Trung Dung, còn Bình không có quyền quyết định bất cứ việc gì và không có vốn góp. Số tiền 250 tỷ đồng vốn điều lệ mang tên Bình tại công ty Trung Dung chỉ là trên giấy tờ, thực chất không có số tiền này.
Sau khi bàn bạc thống nhất việc Oceanbank cho Danh vay 500 tỷ đồng để tăng tính thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng, Thắm bảo Danh mượn tài sản của bà Hứa Thị Phấn để thế chấp cho khoản vay này.
Danh chỉ đạo Bình ký các giấy tờ của công ty Trung Dung và các nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh cùng luật sư của bà Phấn phối hợp với bên ngân hàng hoàn thiện hồ sơ để vay tiền của Oceanbank.
Phạm Công Danh yêu cầu Bình ký các loại giấy tờ để chứng minh phần góp vốn 250 tỷ đồng và để hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại Oceanbank, khi ký tên, Bình không đọc nội dung và không biết ông Phạm Công Danh sử dụng số tiền 500 tỷ đồng đó như thế nào.
Nữ diễn viên ngồi ghế Chủ tịch HĐQT
Việc điều tra bổ sung đã khiến nữ diễn viên Hoàng Thị Hồng Tứ tưởng được miễn trách nhiệm hình sự, nay dính tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Hoàng Thị Hồng Tứ bật khóc nức nở ngay từ phần kiểm tra căn cước. Ảnh: Minh Quang |
Theo điều tra, bà Tứ vốn tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu điện ảnh, không có trình độ chuyên môn về tài chính ngân hàng, nhưng vẫn được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào ngân hàng Đại Dương làm giúp việc hành chính văn phòng cho HĐQT.
Sau khi lập công ty BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm), đến ngày 16/12/2008, BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, Hồng Tứ đang là thư ký HĐQT Oceanbank được Hà Văn Thắm đặt ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật.
Trên thực tế, mọi hoạt động của công ty này đều do Hà Văn Thắm chỉ đạo và quyết định. Tứ không hề có vốn góp, không được điều hành và không hưởng lương của BSC.
Ngày 3/4/2009, theo chỉ đạo của Thắm, Hồng Tứ đã ký hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm Tổng giám đốc công ty BSC với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Cáo trạng xác định, trong thời gian từ 22/5/2009 đến 31/1/2012, công ty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để "thu phí" được tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng. Trong đó, Tứ đã ký 98 hợp đồng dịch vụ, thu hơn 14 tỷ đồng.
Theo lời khai của Tứ, do các hợp đồng trên đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi Tứ là đại diện công ty BSC nên Tứ phải ký để hoàn thiện. Bị cáo này không biết bản chất và mục đích của hợp đồng là gì.
Ngoài ra, Tứ bị xác định đã 3 lần nhận số tiền hơn 6,6 tỷ đồng của công ty BSC để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn. Tứ khai đã đưa số tiền này cho Nguyễn Xuân Sơn, nhưng Tứ không biết đây là tiền gì và không được hưởng lợi gì.
Hành vi của Tứ với cương vị là Chủ tịch HĐQT Công ty BSC bị cáo buộc đã giúp sức cho Hà Văn Thắm sử dụng công ty BSC để thu phí, lấy tiền chi theo yêu cầu của Sơn.
Đồng thời, việc Tứ trực tiếp ký 98 hợp đồng dịch vụ, thu được số tiền hơn 14 tỷ đồng để Thắm sử dụng chi cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 6,6 tỷ đồng của công ty BSC là đã cùng Hà Văn Thắm giúp sức cho hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn.
Xử đại án Oceanbank: Ngập nước mắt và tiếng nức nở
Phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm sáng nay bắt đầu bằng những giọt nước mắt, tiếng nức nở của nhiều nữ bị cáo.
Đại án Oceanbank: Luật sư nghi hồ sơ vụ án bị đánh tráo
Tại phiên xử Hà Văn Thắm và đồng phạm, luật sư của bà Hứa Thị Phấn nêu việc một số hồ sơ là các bút lục lời khai của bị cáo đột nhiên "biến mất"...
Xử đại án Oceanbank: Nữ đại gia Hứa Thị Phấn vắng mặt
Phiên xử Hà Văn Thắm và đồng phạm có số người được triệu tập đến Tòa với con số kỷ lục. Có nhiều bị cáo vắng mặt.
T.Nhung