Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều ngày 30/10, TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đợt dịch thứ 4 khởi phát từ cuối tháng 4/2021, với ca nhiễm đầu tiên ở quận Bình Tân.
Đến ngày 18/5, TP phát hiện 2 ca nhiễm cộng đồng tại quận 7 và TP Thủ Đức. Đây là 2 trường hợp nhiễm chủng Delta.
Ngày 27/5, Bệnh viện Nhân dân Gia định phát hiện 3 trường hợp dương tính, truy vết dịch tễ phát hiện các chùm ca liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Từ đó, số ca càng ngày càng cao.
Với các ca nhiễm tại TP.HCM từ tháng 3-12/2020, giải trình tự gen cho thấy đều do các chủng cổ điển gây ra. Còn các ca nhiễm vào tháng 5/2021, được các nhà khoa học xác định do chủng Delta.
TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu y tế trong đại dịch |
TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế nhận định, đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ những điểm yếu của ngành y tế. Trong đó, có năng lực xét nghiệm PCR, vấn đề cách ly tập trung F0, y tế cơ sở và tiêm vắc xin….
TS Châu nhấn mạnh, có thời điểm thành phố lấy mẫu xét nghiệm PCR rất nhiều nhưng lại trả kết quả trễ. Khi đó, xét nghiệm không còn ý nghĩa, không kịp thời phát hiện F0 để bóc tách khỏi cộng đồng.
Trong khi thực tế, TP đã đầu tư và huy động nhân sự rất lớn để đáp ứng chiến lược xét nghiệm, từ các lực lượng y tế, quân đội. Tháng 7 có 1.533 đội lấy mẫu và tháng 9 có thêm 9.000 người. Đồng thời, TP cũng đã thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm.
Việc cách ly tập trung tất cả F0 giai đoạn đầu đã dẫn đến quá tải và áp lực. TP dù mở đến 16 bệnh viện dã chiến nhưng vẫn không đủ. Khi quá tải F0, khả năng chăm sóc và điều trị cũng không đáp ứng được, bệnh nhân không chăm sóc đầy đủ và dẫn đến chuyển nặng.
Cao điểm, TP ghi nhận 340 ca tử vong chỉ riêng trong ngày 23/8. Đó là ngày số người mất vì Covid-19 lớn nhất trong đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên đến nay, số ca tử vong đã giảm ngoạn mục và duy trì giảm ở mức 2 con số.
Tại thời điểm cao nhất, TP có 104.000 giường ở cả 3 tầng điều trị, trong đó có 4.600 giường ICU. Tham gia chống dịch cùng thời điểm này, là 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng, 1.500 kỹ thuật viên.
Cấp cứu F0 tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức trong cao điểm dịch Covid-19 |
Gần 6 tháng chống dịch, nhân viên ngành y tế đã trải qua thời khắc cam go khốc liệt nhất lịch sử.
“Có thể khẳng định TP đã vượt qua đỉnh dịch. Chúng tôi tính toán, đỉnh dịch kéo dài hơn 2 tháng, đó là thời gian rất nặng nề cho cả TP và ngành y tế”, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết trong hội nghị.
PGS Tăng Chí Thượng cũng cho rằng, công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo, giúp TP dần trở lại cuộc sống bình thường mới.
Hội nghị cũng đã dành phút mặc niệm với những nhân viên y tế đã hy sinh, những nạn nhân Covid-19 đã tử vong trong đợt dịch khốc liệt vừa qua.
TS. Châu cũng chia sẻ, TP đã có những mô hình hay, hiệu quả góp phần chống dịch hiệu quả:
Mô hình Tháp 3 tầng thu dung điều trị
Tầng 1: Dành cho F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, được 530 trạm y tế lưu động chăm sóc cho F0 tại nhà, 201 cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và TP Thủ Đức với 39.000 giường.
Tầng 2: Cấp cứu và điều trị F0 từ nhẹ, trung bình, nặng, có bệnh nền, nguy cơ cao.
Bao gồm, 83 BV điều trị Covid-19 được chuyển đổi, với hơn 60.000 giường
Tầng 3: Có khoảng 4.600 giường của 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức Covid-19 của các bệnh viện TP, Trung ương, các Bộ ngành.
Mô hình Trạm Y tế lưu động
Từ tháng 7, TP triển khai cách ly F0 tại nhà, đã tạo được tâm lý thoải mái, an toàn cho bệnh nhân.
Trong bối cảnh y tế địa phương quá tải, mô hình Trạm y tế lưu động do Bộ Quốc phòng hỗ trợ, thiết lập 525 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động đã quản lý F0, cung cấp các gói thuốc, cung cấp ô xy, chuyển bệnh nhân chuyển nặng đến các bệnh viện.
Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022
Đây là mô hình của các chuyên gia, các bác sĩ đã về hưu của Hội Y học TP.HCM tham gia tư vấn, theo dõi và phát hiện kịp thời những F0 chuyển nặng.
Mô hình hoán cải xe vận chuyển hành khách thành cứu thương
Có những thởi điểm, xe cứu thương chuyên dụng của bệnh viện không đáp ứng kịp, xe vận chuyển hành khách được biến đổi thành xe cấp cứu chuyển bệnh.
Ngoài ra còn các mô hình như: Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng của Trường Đại học Y dược TPHCM; Mô hình “Bệnh viện chị em”; Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng từ bệnh viện dã chiến TP và trung tâm hồi sức COVID-19; Mô hình bệnh viện Chị - em; Mô hình Trung tâm HOPE…đã góp phần đưa đến hiệu quả phòng chống dịch hiện tại TP. HCM.
Linh Giao
Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Chiến lược y tế là trụ cột số một trong giai đoạn này”
3 mục tiêu lớn nhất hiện nay của TP.HCM là bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân, tính mạng con người; làm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, chiến lược về y tế sẽ là trụ cột số một.