Các đại dương giờ đây trở thành sân khấu mới cho cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, và có thể gây ra các tác động về an ninh.
Bài viết của tác giả Harsh V.Pant đăng trên Japantimes.
Không lâu sau khi Ấn Độ tuyên bố
quyết định tiến hành thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam, Trung Quốc đã đáp
trả bằng việc đưa ra kế hoạch mở rộng thăm dò 10.000km vuông đáy biển ở tây nam
Ấn Độ Dương. Công bố này là một phần của chính sách phát triển đại dương giai
đoạn 2011-2015 của Trung Quốc.
Ảnh: Wordpress |
Tân Hoa xã dẫn lời người phụ trách cơ quan phát triển đại dương Trung Quốc Lưu Tập Quý rằng: "Chúng tôi sẽ mở rộng độ sâu và phạm vi của công tác nghiên cứu đại dương và cải thiện sự hiểu biết của chúng tôi về đại dương, với sự tập trung đặc biệt vào các khu vực địa cực và môi trường biển sâu". Ông Lưu đưa ra bình luận này trong một hội nghị về công nghệ đại dương ở Bắc Kinh hôm thứ sáu tuần trước.
Trước chuyện Ấn Độ ra quyết định thăm dò dầu khí ở Biển Đông, Thời báo Tài chính của Anh đã đưa tin về việc một tàu chiến Trung Quốc đã yêu cầu INS Airavat, tàu tấn công đổ bộ của Ấn Độ tự nhận dạng và giải thích sự hiện diện ở vùng biển này. Mặc dù hải quân Ấn Độ đã phủ nhận việc có tàu chiến Trung Quốc chạm trán với tàu của họ, nhưng lại không hoàn toàn bác bỏ cơ sở thực tế của thông tin này.
Quan hệ chiến lược Trung - Ấn đang nhanh chóng tiến triển và căng thẳng cũng gia tăng trong một sự cố xảy ra năm 2009 khi một tàu ngầm lớp kilo của Ấn Độ đụng độ với các tàu chiến Trung Quốc lúc trên đường tới vịnh Aden để tham gia sứ mệnh chống cướp biển với hải đội quốc tế. Các thông tin cho rằng, họ đã cố gắng thử kiểm tra điểm yếu trong hệ thống định vị của nhau. Báo chí Trung Quốc đưa tin, tàu chiến của họ đã buộc tàu ngầm Ấn Độ phải nổi lên, trong khi đó hải quân Ấn Độ cực lực phủ nhận điều này.
Áp sát biên giới
Trung Quốc đã phát triển quân sự mạnh mẽ trong thập niên qua với những thành tựu vượt ngoài dự đoán như phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm, hoàn thành máy bay chiến đấu tàng hình đâu tiên và hạ thủy tàu sân bay đầu tiên. Các khả năng của Trung Quốc trong quân sự có thể thách thức hiện trạng ở Thái Bình Dương.
Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc đề cập tới tốc độ hiện đại hóa quân sự Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ về việc Bắc Kinh đang nâng cấp các cơ sở hạ tầng gần khu vực biên giới với Ấn Độ và củng cố các khả năng ngăn chặn bằng cách triển khai nhiều tên lửa hiện đại có khả năng mang đầu đạn hạt nhân CSS-5 MRBM đến gần biên giới nhằm răn đe New Delhi. "Trung Quốc thay thế những tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn CSS-2 IRBMs bằng hàng loạt tên lửa CSS-5 MRBM có khả năng cao hơn trong việc đối phó với hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương ở gần biên giới Ấn Độ nhằm tăng cường sức mạnh răn đe của mình”, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định trong báo cáo.
Ngoài ra, các báo cáo quân sự Mỹ cũng đề cập tới việc quân đội Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều tàu sân bay cho hạm đội hải quân ngoài tàu Varyag hiện có. Có vẻ như Bắc Kinh sẽ có tàu sân bay nội địa đầu tiên "với khả năng hoạt động" vào 2015. Mỹ cũng cho rằng, tên lửa đạn đạo "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc, DF-21D, đã đạt được khả năng vận hành ban đầu.
Phản ứng với sự cố hải quân mới nhất xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ đã kêu gọi tiến trình hợp tác ngoại giao để giải quyết các tranh chấp liên quan tới Biển Đông, trong đó nhấn mạnh mong muốn công nhận quyền qua lại trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ và đề xuất nước này đứng ra với vai trò trung gian trong các cuộc thương thảo liên quan. Theo đó, Ấn Độ trong phạm vi các quyền của mình cũng được qua lại trên vùng nước quốc tế của Biển Đông và Bắc Kinh không có quyền truy vấn về điều này. Dĩ nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển cũng như thái độ đối đầu, tuyên bố hùng hồn của họ có thể khiến các sự cố dễ dàng leo thang thành xung đột lớn.
Tiền tuyến quân sự?
Biển Đông giờ đây trở thành một "điểm hỏa" của châu Á. Thậm chí có những nhà phân tích cho rằng, nó sẽ trở thành "tiền tuyến quân sự" của Trung Quốc trong các năm tới.
Châu Á ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh hàng hải đang trỗi dậy để chiếm ưu thế không chỉ trong việc thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông mà còn để kiểm soát các tuyến vận chuyển sống còn trên vùng biển - vốn là huyết mạch của các nền kinh tế khu vực. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã sử dụng chuyến viếng thăm châu Á của bà năm ngoái nhằm gửi đi bức thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không dễ dàng tiếp nhận việc Trung Quốc hướng tới bá quyền trong khu vực. Khi Trung Quốc khẳng định Biển Đông là một "lợi ích cốt lõi", thì bà Clinton đã đưa ra đề xuất Mỹ sẽ giúp thiết lập một cơ chế quốc tế để làm trung gian hòa giải việc tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á.
Sự quyết đoán mới này của Mỹ được khu vực hoan nghênh. Các thành viên khác trong ASEAN đã ủng hộ lời kêu gọi của bà Clinton cho cam kết đa phương về một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông hơn là cách tiếp cận song phương mà Trung Quốc ưa thích.
Trung Quốc cũng đã có những vụ va chạm với Việt Nam và Philippines trong vài tháng gần đây về các vấn đề liên quan tới thăm dò tài nguyên khoáng sản và dầu khí ở Biển Đông. Những thập niên qua, các lợi ích chung của vùng biển nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc muốn một hệ thống mới - một hệ thống chỉ có lợi cho Bắc Kinh và không chia sẻ những nguồn cung cấp hàng hóa hay các tài nguyên chung.
Ấn Độ cũng có lợi ích trong bảo vệ các tuyến đường biển qua Biển Đông tới Đông Bắc Á. Khi sự hiện diện của Ấn Độ gia tăng ở Đông và Đông Nam Á, họ sẽ phải khẳng định lợi ích hợp pháp của mình ở các vùng biển Đông Á. Khi Trung Quốc mở rộng hiện diện ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng cần "có phần" ở Đông Á.
Trong khi Mỹ đang phân tâm bởi các tai ương kinh tế và những thách thức từ Mùa xuân Ảrập ở Trung Đông, Nhật Bản minh chứng khó có thể giải quyết sự trì trệ chính trị của chính mình cũng như khó có thể trở thành người cân bằng trong khu vực, thì môi trường khu vực trở nên có lợi cho sự quả quyết của Bắc Kinh.
Ấn Độ có quyền mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với toàn bộ Biển Đông. Giờ đây, họ nên xây dựng những mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy với các nước trong khu vực vì lợi ích an ninh của chính mình và của cả khu vực.
Thái An (theo Japantimes)