Đã bước qua cái tuổi "lục tuần", mái tóc đã đốm bạc, nước da nhăn nheo vì sương gió, đáng lẽ như bao người khác ông đã được nghỉ ngơi an nhàn. Nhưng "lão khùng" Lê Mạnh Tuấn vẫn ngày đêm ba lô, mũ lá lên đường đi săn đá quý. Hơn 30 năm qua, "lão khùng" Lê Mạnh Tuấn đã bôn ba, rong ruổi trên khắp các nẻo đường Bắc - Nam để sưu tầm kỳ thạch.
Hai vợ chồng "nghiện" đá
"Lão khùng" Lê Mạnh Tuấn sinh năm 1948 tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Từ khi còn nhỏ, ông đã mê mẩn với những cục đáá. Lớn lên, đang học khoa vật lý trường đại Học Bách khoa Hà Nội nhưng không hiểu cơ duyên nào chàng trai trẻ này lại chuyển sang học ngành địa chất, rồi sau đó học là trường Mỹ thuật Công nghiệp. Có lẽ, thời điểm học khoa địa chất chính là lúc cái thú chơi đá đã ngấm vào máu ông.
Tiếp chúng tôi trong một gian phòng nhỏ tại khu trưng bày kỳ thạch tại Hoàng Thành Thăng Long, nghệ nhân Lê Mạnh Tuấn kể cho chúng tôi nghe những năm tháng hai vợ chồng ông cất công lặn lội đi sưu tầm kỳ thạch. Theo ông Tuấn, kỳ thạch là báu vật của thiên nhiên ban tặng cho con người. Trong kỳ thạch chứa đựng nhiều thông điệp mà con người cần khám phá và chiêm nghiệm. Tính kì diệu của kỳ thạch thể hiện trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, khoa học và đặc biệt là đời sống tâm linh. Gần đây, qua thực tiễn, người ta còn đúc kết được sự ảnh hưởng của đá đối với sức khỏe con người (đá phong thuỷ - PV).
Ông Lê Mạnh Tuấn giới thiệu những tác phẩm kỳ thạch trưng bày nhân ngày lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. |
Có lẽ, ở Việt Nam, không có nhiều người tâm huyết và hiểu một cách thấu đáo về đá như "lão khùng" Lê Mạnh Tuấn. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông thao thao hàng tiếng đồng hồ về kỳ thạch, những "đứa con" tinh thần mà hơn 30 năm qua ông sưu tầm được.
Nhấp một ngụm trà sen chát đắng, nghệ nhân Lê Mạnh Tuấn kể: "Hễ thấy bất kỳ ai kháo nhau là tìm được đá quý, tôi lại "tay nải" lên đường, đến tận nơi để mua lại. Dường như cái thú, cái "máu" chơi đá đã át đi những nỗi vất vả về thể xác. Tuy năm nay đã 64 tuổi nhưng nếu nghe tin ở bất kỳ đâu có đá quý, tôi sẵn sàng đi đến đó tìm cho bằng được".
Ngay cả ông Tuấn đến giờ phút này cũng không thể nhớ được mình đã đầu tư bao nhiêu thời gian và tiền của để đi tìm, mua kỳ thạch. Thế nhưng, trong bộ sưu tập đá quý của ông hiện nay có những viên có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn đô la nhưng hai vợ chồng ông vẫn quyết định không bán. Ông chấp nhận cuộc sống bữa no bữa đói nhưng hạnh phúc cùng những viên đá quý sưu tầm được.
Nhiều người tưởng rằng, trước cái thú chơi mà người khác gọi là "khùng", "ôm rơm nặng bụng" của Lê Mạnh Tuấn, vợ của ông sẽ phản đối. Nhưng có ai ngờ được, chính vợ ông cũng bị cái thú chơi kỳ công này "gây nghiện". Ông Tuấn cười bảo, tôi nhớ 5 năm trước có người quen đi Lạng Sơn báo tin, một người dân tộc trên ấy lên núi nhặt được viên đá lạ. Lập tức tôi và vợ xách ba lô bắt xe lên đó tìm để mua lại. Phải mất hàng tuần trời, trèo đèo lội suối, chúng tôi mới tìm được nhà người nhặt được đá.
Tìm được đá quý đã là việc khó khăn nhưng làm cho những viên đá từ vô tri vô giác trở thành những tác phẩm nghệ thuật có "tiếng nói" còn khó khăn hơn gấp bội. Ông Tuấn bảo, để làm được điều này, không chỉ phải am hiểu tường tận về đá mà còn phải am hiểu cả về nghệ thuật. Lau chùi đá, cắt tỉa đá... nhưng vẫn phải tôn trọng "bản quyền" của thiên nhiên. Được biết, cách đặt đá cũng chính là cách tạo ra thông điệp cho đá.
Đi tìm "tiếng nói" cho đá
Theo ông Tuấn, mỗi viên đá đều có những thông điệp mà thiên nhiên muốn gửi gắm đến con người. Trong 6 gian trưng bày kỳ thạch tại Hoàng Thành Thăng Long, 400 tác phẩm được ông chia thành ba chủ đề: Cội nguồn; văn hóa tâm linh Việt; tiềm năng đá Việt. Ông Tuấn cho biết, do không gian phòng trưng bày có hạn nên chỉ trưng bày được 3 trong số 72 chủ đề mà ông sưu tầm được. Nhiều tác phẩm kỳ thạch của Lê Mạnh Tuấn được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao.
Được biết, trên thế giới, mỗi quốc gia có một cách chơi đá khác nhau. Ở Việt Nam, kỳ thạch được phân loại theo sáu tiêu chí: Hình (tính nghệ thuật của viên đá); Thể (cấu trúc, tuổi địa chất của đá); Màu (giá trị, bản chất của viên đá); Hoa văn (các hình vẽ trên đá) và cuối cùng là Tính hi hữu, có nghĩa là mức độ hiếm có của viên đá. Một viên kỳ thạch đạt được 6 tiêu chí trên mới được tuyển lựa "nuôi dưỡng" để trở thành một tác phẩm có giá trị.
Ông Lê Mạnh Tuấn bảo, khi đã có một tác phẩm đẹp, người chơi đá phải biết cách sắp xếp viên đá làm sao cho nó thể hiện được một thông điệp nhất định. Một viên đá với góc nhìn khác nhau, một thế đứng khác nhau cho những nội dung nghệ thuật và các thông điệp khác nhau. Nói đến đây, ông dẫn tôi đến một tác phẩm và giúp tôi cách nhìn và hiểu thông điệp từ tác phẩm đó. Quả thật, khi nhìn trực diện hoặc từ trên xuống, tác phẩm ấy chỉ là một viên đá màu đen rất đỗi bình thường. Ông Tuấn kéo người tôi sát xuống sàn nhìn hất lên, tôi thật sự ngỡ ngàng bởi viên đá vô tri ấy dưới một góc nhìn khác lại hóa ra một con chim lạc đang hướng mặt lên trời. Đúng là không phải bỗng nhiên người ta dùng từ thưởng lãm đá chứ không phải xem đá.
Một số tác phẩm từ đá quý của nghệ nhân Lê Mạnh Tuấn. |
Những viên đá được định giá 200 nghìn USD(?)
Được biết, đã có hàng trăm người hỏi mua tác phẩm "Cội nguồn" của ông với giá khủng. Thậm chí có khách vip ngoại quốc trả ông 200 nghìn đô la cho viên kỳ thạch này. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được những cái lắc đầu của "lão khùng" Lê Mạnh Tuấn. Ông Tuấn bộc bạch: "Tôi đã đặt tên viên đá này là "Cội nguồn" có nghĩa là với tôi viên đá tượng trưng cho những bậc cha ông, nguồn gốc của nước Việt. Đừng nói là 200 nghìn đô la mà đến triệu đô, ngàn vàng cũng không mua được chữ Việt trong tôi". Nói đến đây, chúng tôi nhìn thấy được lòng tự hào dân tộc dâng lên đôi mắt, cảm tưởng như ông đang chực khóc.
Đến nay, nhiều người vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về một "đại gia" lắm tiền nhiều của, giọng nói trịch thượng đến nhà ông ở "Lương Sơn, Hòa Bình" để mua đá. Không biết vị khách này do "choáng váng" trước vẻ đẹp của những viên kỳ thạch hay chỉ bất cẩn giẫm lên một viên đá mà ông bày ở lối vào. Lập tức ông mời ngay vị khách không biết tôn trọng đá này ra khỏi nhà mình. Hay câu chuyện về một cậu sinh viên nhìn thấy một tác phẩm của ông mà nhớ đến ông nội mình. Không một chút do dự, ông Tuấn liền tặng ngay viên đá đó cho cậu sinh viên. Đối với Lê Mạnh Tuấn, ai yêu đá, đam mê đá ông đều coi là bằng hữu, đồng môn của mình.
Hiện nay, nghệ nhân Lê Mạnh Tuấn đang có ý định mở một bảo tàng trưng bày về các sản phẩm về kỳ thạch. Vì 6 gian phòng trưng bày tại Hoàng Thành không đủ sức chứa cho hàng nghìn mẫu vật mà ông sưu tầm được. Chính vì thế, có rất nhiều cổ vật quý giá mà ông chưa có dịp "khoe" với người dân Việt. Tuy nhiên, để lập được một bảo tàng về đá như ước mơ của ông không phải là dễ. Ông Tuấn bảo, chúng tôi còn thiếu kinh phí, mặt bằng, đội ngũ nhân viên hiểu thật sự về kỳ thạch, nghệ thuật đá. Hơn nữa, điều làm ông "nhức óc" nhất chính là nếu có lập được bảo tàng thì thế hệ sau liệu có ai tâm đắc, say mê đá, duy trì sự phát triển của thú chơi này?
Chính vì thế, hiện nay Lê Mạnh Tuấn đang ra sức xây dựng bộ môn Thạch Đạo Việt. Hiểu nôm na, bộ môn này chuyên đi nghiên cứu tìm hiểu thông điệp của thiên nhiên với con người thông qua kỳ thạch. Được biết, tới đây ông sẽ xin được xây dựng một đàn tri ân ở Hoàng Thành Thăng Long. Nếu như được phép xây dựng ông sẽ trưng bày 52 tác phẩm để tri ân những tiền nhân đã có công dựng và giữ nước.
Ông Tuấn tự hào kể: "Năm 2005, bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội có nói với tôi: "Anh cố đưa đá về Hoàng Thành trưng bày để cho Thành cổ ấm lên". Đến bây giờ tôi vẫn cố gắng hết sức mình để thực hiện lời nói tâm huyết ấy của bà Hằng".
(Theo NĐT)