Cách thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi chừng 15km, làng Đăk Mế tọa lạc nơi ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, chỉ cách cửa khẩu Bờ Y khoảng chục cây số.
Làng Đăk Mế ngày nay khang trang, quy củ nằm giữa rừng xanh bạt ngàn.
Nhà rông luôn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của cả làng nên nhà rông được đặt ở vị trí trung tâm, trên nền đất cao, không gian thoáng đãng. Nhà rông được dựng và trang trí bằng chính công sức, tài nghệ của mọi cư dân trong làng. Mái nhà rông dựng đứng, cao vút lên trời biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân tộc Brâu. Các ngôi nhà trong làng được bố trí quay đầu hồi, mở cửa chính hướng về phía trung tâm - nơi có nhà rông.
Nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí mà còn là nơi đón tiếp khách quý, điều hành việc làng, tập trung lực lượng bảo vệ làng. Tập quán của dân tộc Brâu khi vào làng, nhà mới phải tổ chức cúng thần đất, thần núi, thần nước mong cho chỗ ở êm đẹp, lâu dài và có cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm.
Dân tộc Brâu nhiều đời du canh du cư, mưu sinh bằng cách đốt rừng làm nương rẫy; dùng rìu, rựa để chặt cây và dùng chiếc gậy chọc lỗ để tra hạt. Săn bắn, hái lượm là nguồn cung cấp thức ăn cho mọi gia đình.
Trang phục của người Brâu đơn giản. Ðàn ông đóng khố, đàn bà quấn váy. Mùa hè, họ ở trần hoặc mặc áo cánh ngắn chui đầu, lạnh thì khoác thêm một tấm vải. Phụ nữ Brâu có tục căng tai để đeo những khoanh nứa vàng hoặc khuyên bằng ngà voi. Nữ trang có vòng cổ, vòng tay bằng đồng, bạc hay nhôm. Nam nữ đến tuổi 15-16 đều theo tục cưa bằng 4 răng cửa hàm trên để chính thức hội nhập vào cộng đồng những người trưởng thành.
Người Brâu có các trò chơi vui giải trí như đánh cù, thả diều sáo, hay diều bươm bướm, bơi lội trên sông, cướp dây, bịt mắt đi tìm, đi cà kheo...
Người Brâu chủ yếu ăn cơm cơm lam, cơm gạo tẻ nấu trong nồi đất. Ngô, sắn chỉ dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trẻ, già, trai, gái đều thích hút thuốc lá sợi.
Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Minh
(Thực hiện: Nhóm PV)