Ở các tỉnh này đồng bào đều sinh sống ở miền núi, từ vùng núi cao đến vùng núi thấp. Sau năm 1975, một số lượng khá lớn dân tộc Dao di cư tự do vào các tỉnh miền Nam (Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc) làm ăn. Do việc cư trú phân tán, dân tộc Dao còn có nhiều tên gọi (tên nhóm) khác nhau.
Làng của người Dao có thể chia thành hai loại chính: Loại làng cư trú phân tán du canh du cư và loại làng tập trung định cư.
Cũng như tất cả các dân tộc khác, dân tộc Dao đều lấy nguyên vật liệu tại chỗ để làm nhà. Đó là gỗ, tre, nứa, lá cỏ gianh, lá gồi, dây rừng.
Nhà ở của dân tộc Dao chia thành ba loại: nhà đất, nhà nửa sàn, nửa đất và nhà sàn tùy theo khu vực họ cư trú. Về hình thức, nhà ở chia thành ba loại như trên, nhưng phần bố trí bên trong đều có ngăn một gian nhỏ, riêng tư ở ngay giữa nhà để thờ cúng. Dân tộc Dao thờ cúng tổ tiên. Khi có việc lớn, người Dao cúng tổ tiên 9 đời, bình thường chỉ cúng 3 đời. Người Dao gọi bàn thờ là Hùng lầu miến (tiếng Dao Đại Bản). Bàn thờ dân tộc Dao Có nét độc đáo, thường là một chiếc khám nhỏ, có mái như một ngôi nhà nhỏ, bưng kín ba mặt, mặt còn lại để đặt đồ cúng vào và thắp hương.
Ảnh hưởng của tam giáo đối với người Dao thể hiện khá rõ nét. Các thầy cúng của dân tộc Dao, những bức hoạ, những bức tranh trong cúng bái, những hình mặt nạ hoá trang trong khi múa, những phù phép khi cúng chữa bệnh, bói toán chuẩn đoán bệnh cho người ốm... tồn tại trong các nghi lễ tôn giáo của người Dao đều là sản phẩm của Đạo giáo.
Biểu hiện của Phật giáo trong tín ngưỡng dân tộc Dao là quan niệm về hoá kiếp luân hồi, uống nước thiêng chữa bệnh, ăn chay niệm Phật, tu nhân tích đức, ở hiền gặp lành. Người Dao Áo Dài, người Dao Quần Trắng ở tỉnh Hà Giang có thói quen thờ Phật. Người Dao tin vào số mệnh con người, mỗi người có một số riêng. Người sống lâu, người chết trẻ, người học giỏi, người học không giỏi, người đẹp trai, xinh gái, người cao, người thấp... là số do trời quyết - thiên mệnh (Khổng giáo).
Để được coi là trưởng thành, đàn ông Dao phải trải qua lễ cấp Sắc. Người thụ lễ được thầy cúng cấp cho một bản sắc ghi bằng chữ Nôm Dao Với nội dung nói về lai lịch người thụ lễ, nguyên do thụ lễ và các điều khuyên răn. Khi làm lễ, người ta thắp đèn đặt trên vai, trên đầu người thụ lễ, với quan niệm ánh sáng sẽ xua đuổi, làm tiêu tan mọi chất bản và tội lỗi trong người. Tục cấp sắc có thể thực hiện trước hoặc sau khi lấy vợ, tuỳ thuộc vào quan niệm của từng nhóm Dao. Cấp sắc có nhiều bậc: bậc 3 đèn, 7 đèn... cao nhất là 12 đèn.
Phụ nữ Dao tự làm ra quần áo mặc từ việc trồng bông, cán bông, kéo sợi, dệt thành vải, nhuộm, cắt khâu thành quần áo, thêu thùa hoa văn trên y phục. Đan lát là công việc của cánh đàn ông, thường thực hiện vào mùa nông nhàn, cũng là mùa khô, cây tre, nứa, giang, mây không ngậm nước, sản phẩm đan từ tre, nứa chắc bền hơn.
Nghề rèn cũng xuất hiện từ lâu trong dân tộc Dao, họ rèn công cụ sản xuất như cuốc, cào, lưỡi cày, các loại dao và rèn cả súng kíp, đạn gang. Dân tộc Dao có nghề thủ công độc đáo là nghề làm giấy dó. Nguyên liệu chính để làm giấy là rơm rạ, vỏ cây dướng, cây dó, các loại tre, nứa. Giấy có nhiều ưu điểm: mỏng, mịn, dai, bền lâu, tương đối trắng, ăn mực, không nhoè. Nhiều sách cúng, gia phả được ghi chép từ lâu nay vẫn còn giữ được là nhờ loại giấy này.
Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên
Ảnh 360 - Dân tộc Dao