Người Giáy hay người Nhắng, Dắng, Pâu Thìn, Pù Nà, Cùi Chu hay Xạ đều là một. Tuy nhiên, Giáy là tên gọi chính thức của nhà nước ta trong số 54 dân tộc Việt Nam. Dân tộc Giáy nói tiếng Giáy – một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái trong hệ ngôn ngữ Tai - Ka đai – một hệ ngôn ngữ phân bố khá rộng trên bán đảo Đông Dương.
Hiện nay, do yêu cầu đời sống và làm việc, người Giáy cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Địa bàn cư trú truyền thống của dân tộc Giáy chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái với tổng số 57.426 người.
Kinh tế truyền thống của người Giáy là làm ruộng nước. Nương rẫy chỉ là thu nhập phụ cùng với chăn nuôi. Người Giáy nuôi nhiều trâu, ngựa và họ dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cầy và thồ hàng. Các con lợn, gà, vịt được nuôi để phục vụ cúng bái và làm thực phẩm.
Vùng đồng bào Giáy cư trú, xưa kia đất rộng, cho nên có nơi thả rông trâu. Ở mỗi làng người ta để một khu rừng rộng, khu rừng được rào kín, chỉ để một cửa đi lại rồi lùa trâu vào đó. Khu rừng đó được gọi là “lùng vái” - thung lũng trâu. Vài ba ngày dân làng rủ nhau vào “lùng vái” thăm trâu một lần. Khi cần kéo cày, kéo gỗ, người ta bắt riêng những con trâu đó về kéo và nuôi theo cách chăn dắt. Xong việc lại thả trầu vào “lủng vái” theo đàn.
Người Giáy cho rằng khi người ta chết, nếu ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời sống sung sướng cùng với tổ tiên, nếu không sẽ bị đưa xuống âm ti hoặc biến thành con vật. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo... Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.
Người Giáy thờ tổ tiên ở nơi trang nghiêm nhất trong nhà. Thông thường trên bàn thờ dân tộc Giáy có ba bát hương. Kể từ trái sang phải, bát hương thứ nhất thờ chảo vàng - vua bếp; bát hương thứ hai thờ then tỉ - thiên địa, bát hương thứ ba thờ tổ tiên. Chảo vàng được cúng vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Then tỉ được cúng vào ngày mùng 2 tết (tháng Giêng) khi trời chưa sáng rõ. Không nhất thiết gia đình nào cũng phải thờ then tị, nhưng đã thờ thì phải thờ truyền đời từ đời này qua đời khác.
Người Giáy tự may trang phục truyền thống. Trang phục của người Giáy có sự khác biệt giữa nam và nữ. Trang phục nam có áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải, quần ống đứng, rộng khoảng 30 - 40 cm, cạp to, không dùng dây rút mà chỉ vận vào người. Trang phục nữ phổ biến là loại áo ngắn xẻ nách. Đây là loại áo ngắn trùm kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng. Cổ áo có đường viền xẻ nách từ vai trái sang phải, với đường viền và trang trí khác nhau và thường tương phản với màu nền áo. Phụ nữ Giáy cũng thường đội khăn, quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc. Nhóm phụ nữ Giáy Lào Cai, Lai Châu mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng. Tóc của họ vấn theo kiểu hình vành khăn và thường đeo túi vải thêu hoa văn phổ biến ở đáy túi là hình răng chó.
Ẩm thực của người Giáy mang đậm hơi thở của núi rừng với cách thức chế biến đặc trưng như món Cổ nhục được làm từ thịt ba chỉ hay các loại thịt nướng tảng, xôi ba màu...
Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Văn Minh
(Thực hiện: Nhóm PV)