Làng truyền thống của đồng bào H’rê thường có tên gọi theo địa danh đồi núi, sông suối tự nhiên nơi cư trú. Làng thường được dựng ở những nơi có nguồn nước sinh hoạt và gắn liền với vùng canh tác. Mỗi làng có khoảng 40-50 nóc nhà. Trong làng người H'rê, “già làng” là người có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng.
Người Hrê sống trong các nhà sàn. Nhà sàn có cửa ra vào ở mỗi đầu và một mặt bên, có 2 hàng cột tạo thành 2 vì cột, trên đỉnh đốc có hình cặp sừng thú, vách nghiêng phía trên ra ngoài. Mặt sàn thường hơi cao một chút về bên không đặt bếp đun, nhằm tạo thế nằm thoải mái: chân thấp hơn đầu. Nhà ở trong làng đều dựng ngang triền đất dốc, tránh để đòn nóc chĩa hướng chắn ngang dòng chảy của sông suối. Nhà ở của người Hrê thường dựng sóng nhau trên triền đất chân gò, núi cạnh cánh đồng. Trong làng, quanh nhà thường trồng cau, chuối, mít, xoài...
Trước đây đàn ông Hre đóng khố, mặc áo cánh ngắn đến thắt lưng hoặc ở trần, quấn khăn; đàn bà mặc váy hai tầng, áo 5 thân trùm khăn. Nam, nữ đều búi tóc cài trâm hoặc lông chim. Người Hrê thích đeo trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm; nam nữ đều đeo vòng cổ, vòng tay, nữ có thêm vòng chân và hoa tai. Ngày nay, người Hrê mặc quần áo như người Kinh, riêng cách quấn khăn, trùm khăn vẫn như xưa. Phần lớn nữ giới vẫn mặc váy, nhưng may bằng các vải dệt công nghiệp hoặc vải dệt từ dân tộc khác.
Hàng năm, người Hrê ăn tết vào khoảng tháng 10, sau khi thu hoạch lúa. Ngày nay nhiều làng cũng theo tết Nguyên đán. Ngày tết có cúng cho trâu và lợn, cầu sinh sôi, cúng mời tổ tiên và cúng sức khỏe cho mọi người trong nhà; có bánh gói bằng gạo nếp, rượu, thịt...
Cũng như nhiều dân tộc sống ở núi rừng Tây Nguyên, người H’rê cũng có lễ “cúng trâu”. Họ quan niệm, con trâu là đầu cơ nghiệp, là lao động chính, giúp con người trong lao động sản xuất, bởi vậy lễ cúng trâu cũng là dịp để tạ ơn thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, có nguồn nước tưới, cầu cho gia đình có sức khỏe, được bình an, làm ăn được thuận lợi trong năm mới.
Thực hiện: Quốc Huy, Thanh Bình, Lục Tiến
Ảnh 360 - Dân tộc H'rê