Người Kháng cư trú chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Họ còn có tên gọi khác là Xá Khao, Xá Xú, Xá Đơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Bung, Quảng Lâm. Tuy nhiên, tên gọi chính thức của nhà nước ta đối với cộng đồng này là dân tộc Kháng.
Người Kháng nói tiếng Kháng, là ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Khơ Mú, của ngữ tộc Môn-Khmer. Ngôn ngữ của họ khá giống với tiếng Xinh Mun, hay còn gọi là tiếng Puộc.
Người Kháng làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt. Đây là phương thức làm nông nghiệp nương rẫy cổ xưa nhất có từ thời văn hóa Đông Sơn mà những dấu ấn của tục thờ thần Mặt trời, quan niệm về vũ trụ thông qua các bước chuyển động của người nông dân khi chọc lỗ tra hạt từ các nương rẫy đã toát lộ quan niệm. Ngoài lối canh tác đó, người Kháng còn làm ruộng nước theo phương thức cày bừa, gieo cấy trên các thửa ruộng bậc thang hẹp, nhưng không phổ biến.
Người Kháng cũng chăn nuôi gia súc và gia cầm và làm đồ đan lát (ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi), làm mộc (thuyền độc mộc kiểu đuôi én) được người Thái ưa dùng. Trong giao thương, do không có nghề dệt nên người Kháng trồng bông rồi đem đổi lấy vải và quần áo của người Thái – một dân tộc cư trú liền kề, có truyền thống về dệt thổ cẩm và làm chăn đệm bông. Họ cũng đổi thuyền đuôi én cho người Thái để lấy nông thổ sản.
Nhà của người Kháng có 3 gian, 2 chái. Mái nhà sàn tương tự như của người Mường, Thái Đen, có hình mu rùa, với 2 cửa ra vào ở hai đầu nhà, 2 cửa sổ ở 2 vách bên. Mỗi nhà có hai bếp lửa – một để nấu ăn hàng ngày và một để nấu đồ cúng tế khi bố mẹ, ông bà mất.
Sống gần gũi với cộng đồng Thái, nhiều nét văn hóa của đồng bào Kháng dần biến đổi giống với văn hóa dân tộc Thái. Trang phục thường ngày của phụ nữ Kháng là váy đen, áo cóm. cổ chữ V khoét sâu, thắt lưng xanh. Trên viền nẹp áo họ khâu thêm dải vải màu sắc nổi bật. Trên hai vai áo có đính hai dải vải đỏ buông xuống trước ngực. Đàn ông thường mặc quần chân què, áo chàm xẻ ngực. Tuy nhiên ngày nay phụ nữ dân tộc Kháng cũng sử dụng cả những chiếc áo sơ mi giống người dân tộc Kinh, đàn ông mặc áo sơ mi, quần Tây. Bộ trang phục truyền thống họ chỉ dành cho những dịp hội hè, lễ tết.
Người Kháng tin rằng con người có 5 hồn. Một hồn chính ở trên đầu bốn hồn ở tứ chi. Khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, bốn hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi "ăn", ma có nhiều loại như: ma suối, ma bản... Việc thờ cúng bố mẹ được tiến hành 3 năm một lần. Ðây là lễ vui nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới dự bữa cơm, sau đó múa hát thâu đêm.
Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên
(Thực hiện: Nhóm PV)