Người Việt cư trú khắp các tỉnh thành, chủ yếu là tại các vùng đồng bằng và thành thị. Tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, ngữ hệ Nam Á.
Địa bàn cư trú đầu tiên của người Việt là trung du và đồng bằng bắc Bộ. Từ đầu thứ kỷ 11 do nhu cầu về đất đai, do đặc thù của thời phong kiến, người Việt tiến vào miền Trung, mở đất, khai phá vùng Nam Bộ. Từ rất sớm, người Việt từ đồng bằng di cư lên các vùng Đông Bắc, Tây Bắc….. ở đâu người Việt cũng nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, hoà nhập với cộng đồng sở tại.
Do điều kiện sống quần cư, người Việt kiếm sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng trọt ruộng nước là chủ đạo. Người Việt làm nông nghiệp dựa trên lịch mặt trăng, coi trọng yếu tố thời vụ. So với các dân tộc khác, người Việt làm ruộng đạt đến trình độ thâm canh cao. Không chỉ đạt hiệu quả cao trong trồng trọt, người Việt còn giỏi trong ngành chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.... Người Việt nổi tiếng khéo léo về nghề thủ công nghiệp, phát triển bách nghệ. Không ít làng thủ công đã tách khỏi nông nghiệp, trở thành các làng nghề truyền thống. Hiện nay, các đô thị và các khu công nghiệp đang ngày càng phát triển trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
"Cơm tẻ, nước chè" là đồ ăn, thức uống cơ bản hàng ngày của người Việt. Ðồ nếp thường gặp trong những ngày lễ tết. Trong bữa ăn hàng ngày thường có món canh rau hay canh cua, cá... Ðặc biệt người Việt rất ưa dùng các loại mắm (mắm tôm, cá, tép, cáy...) và các loại dưa (cải, hành, cà, kiệu). Tương và các loại gia vị như ớt, tỏi, gừng... cũng thường thấy trong các bữa ăn. Rượu được dùng trong các dịp lễ tết, liên hoan... ăn trầu, hút thuốc lào trước kia chẳng những là nhu cầu, thói quen mà còn đi vào cả lễ nghi phong tục.
Xưa kia, đàn ông thường mặc quần chân què, áo cánh nâu (ở Bắc bộ), màu đen (ở Nam bộ); ngày lễ tết mặc quần trắng, áo chùng lương đen, đội khăn xếp, đi guốc mộc. Ðàn bà mặc váy đen, yếm, áo cánh nâu, chít khăn mỏ quạ đen (Bắc bộ). Phụ nữ ngày lễ hội hè mặc áo dài. Mùa đông, cả nam và nữ thường mặc thêm áo kép bông. Y phục phân biệt giữa các lứa tuổi chủ yếu ở màu sắc và cỡ quần áo; giữa người giàu, người nghèo khác nhau ở chất liệu vải lụa và chỉ có người giàu sang mới dùng đồ trang sức.
Ngoài áo yếm, áo bà ba thì áo tứ thân là trang phục truyền thống dân tộc Kinh miền Bắc Việt Nam, áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay áo tứ thân chỉ được mặc trong những dịp lễ hội truyền thống. Phần lưng áo gồm hai mảnh vải ghép lại, thường là màu nâu hoặc nâu non ghép với màu cùng gam, phía trước có hai thân tách rời, buộc lại với nhau, thả trước bụng để tạo dáng người thon thả, phía trên không gài khít mà để lộ yếm màu bên trong. Áo tứ thân dài gần chấm gót, tay áo bó chặt.
Người Việt thường ở nhà trệt. Trong khuôn viên thường được bố trí liên hoàn nhà - sân - vườn - ao. Ngôi nhà chính thường có kết cấu ba gian hoặc năm gian và gian giữa là gia trang trọng nhất, đặt bàn thờ gia tiên. Những gian bên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, gian buồng được bố trí ở chái nhà làm chỗ ở của phụ nữ và cũng là nơi cất trữ lương thực, của cải của gia đình. Nhà bếp thường được làm liền với chuồng nuôi gia súc
Ðại bộ phận người Việt sinh sống thành từng làng, dăm ba làng họp lại thành một xã.
Tết nguyên Đán là tết lớn nhất trong một năm. Sau tết âm lịch là các hội mùa xuân. Ngoài ra còn có nhiều lễ tết truyền thống khác trong năm như: Rằm tháng giêng, tết Thanh minh, lễ Hạ điền, lễ Thượng điều, tết Ðoan Ngọ, rằm tháng bảy, tết Trung thu,... Mỗi tết đều có ý nghĩa riêng và lễ thức tiến hành cũng khác nhau.
Vốn văn học cổ của người Việt khá lớn: có văn học miệng (truyện cổ, ca dao, tục ngữ), có văn học viết bằng chữ (những áng thơ, văn, bộ sách, bài hịch). Nghệ thuật phát triển sớm và đạt trình độ cao về nhiều mặt: ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng. Hội làng hàng năm là một dịp sinh hoạt văn nghệ rôm rả, hấp dẫn nhất ở các vùng thôn quê..
Thực hiện: Thúy Tình, Lệ Yên, Duy Tiến
(Nhóm PV)