Là dân tộc có số đông thứ 7 ở Việt Nam, dân tộc Nùng hiện có hơn 1 triệu người, sống phân tán tại 63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi thuộc phía Bắc và Đông Bắc Bộ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang...
Đồng bào Nùng thường sống thành từng bản, mỗi bản thường có từ 30-70 nóc nhà. Nguồn sống chính của người Nùng là lúa và ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các vùng khe dọc với trồng lúa cạn trên các sườn đồi. Các ngành nghề thủ công của người Nùng đã phát triển, phổ biến nhất là nghề dệt, mộc, đan lát, rèn, gốm.
Người Nùng thích ăn các món xào mỡ lợn. Món ăn độc đáo và được coi trọng là sang trọng của người Nùng là “khâu nhục”. Tục mời nhau uống rượu chéo chén có lịch sử từ lâu đời, nay đã thành tập quán của người Nùng.
Người Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng hòa quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây ấn tượng sâu sắc cho những ai nghe. Then là làn điệu dân ca, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao người. Lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau, mà người Nùng gọi là “Lùng tùng” (hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Phụ nữ Nùng khéo tay, ai cũng biết khâu vá thêu thùa. Tại xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Nùng đang tỉ mỉ ngồi khâu từng hoa văn cho chiếc địu con. Tất cả phụ nữ Nùng đều tự tay làm địu cho con của họ cho dù họ thường phải mất từ 2 đến 3 tháng mới có thể hoàn thành một chiếc.
Vài chục năm trước, phụ nữ Nùng thích bịt một cái răng vàng ở hàm trên bên trái và đi đâu cũng mang túi vải bên hông, đầu quấn khăn vấn tóc và trùm khăn vuông ra bên ngoài, mặc áo 5 thân dài quá mông, mặc váy hoặc quần chân què, thắt lưng, đeo tạp dề, đệm vai, chân quấn xà cạp, đi giày vải hoặc guốc; đeo các đồ trang sức như: hoa tai, dây chuyền, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn.
Trong số các nhóm, người Nùng Dín sống rải rác ở Mường Khương, Lào Cai. Trang phục là niềm tự hào của phụ nữ Nùng Dín. Với đôi bàn tay khéo léo, các chị tự làm những bộ trang phục bằng vải nhuộm chàm, nhuộm tím than. Nét độc đáo trên trang phục của họ là hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng.
Phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. Khăn vấn sao cho giống hai chiếc sừng trâu hai bên. Nét tượng trưng này thể hiện quan niệm của người Nùng Dín coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Độc đáo nhất là những hoa văn ở khuy cổ áo, được làm bằng bạc, có hình con bướm hai bên và gắn các tua hình tam giác. Đây là biểu tượng thể hiện sự cầu mong hạnh phúc của người phụ nữ Nùng Dín.
Người Nùng thường ở nhà sàn và nhà nửa sàn nửa đất, trong đó nhà sàn là kiểu nhà truyền thống ưa thích của họ. Nhà thường khá to, rộng, có ba gian, vách thường bằng gỗ và lợp ngói máng. Nhà đất hiện chiếm khá phổ biến ở vùng người Nùng. Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn, trừ một lối đi ở gian giữa, phần trong đặt bếp, nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình. Phần ngoài, dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên.
Đồng bào có nhiều nghi lễ tín ngưỡng. Ngoài lễ tết thông thường, người Nùng còn lễ cúng rừng vào tháng 2 âm lịch, cúng Tết chiến thắng vào mùng 1 tháng 7 âm lịch. Cũng trong tháng 7, người Nùng cúng thần linh, thổ địa và một chuỗi các hội hè vui chơi sau những ngày lao động, sản xuất vất vả. Trong những dịp đó người Nùng thường làm nhiều loại bánh từ gạo và có tục uống rượu bằng thìa.
Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Văn Minh
(Thực hiện: Nhóm PV)