Người Phù Lá thuộc dân tộc thiểu số rất ít người, tập trung nhiều nhất ở Lào Cai, có tiếng nói riêng, một ngôn ngữ của ngữ chi Lô Lô, thuộc ngữ hệ Tạng - Miến trong hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác, tộc người này sống thành từng bản, từng khu và mỗi bản, khu có vài chục nóc nhà, chủ yếu ở các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên.
Dân tộc Phù Lá sống trong những bản riêng biệt, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc như H’Mông, Dao, Tày. Mỗi bản thường có từ 25 đến 30 nóc nhà. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong việc điều hành cộng đồng làng bản. Các dòng họ chính của người Phù Lá là Nhìu, Lồ, Lý, Ngô…
Người Phù Lá không bị ép buộc trong hôn nhân. Khi yêu nhau, trai gái thông báo cho bố mẹ biết, hai gia đình sẽ tổ chức ăn bữa cơm thân mật. Từ đó, đôi trai gái được coi như đã đính hôn, đám cưới có thể tổ chức sau 1 hoặc 2 năm. Theo phong tục của người Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng, tuy nhiên, cũng có thể cho chú rể ở rể từ 2 đến 3 năm để trả công ơn bố mẹ đã sinh ra con gái.
Trang phục của người Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào trong hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Trang phục của họ vừa có nét truyền thống nhưng lại mang dáng dấp hiện đại. Thường ngày, nam giới mặc áo xẻ ngực. Áo được may từ 6 mảnh vải, cổ thấp, không cài cúc, nẹp ngực bằng viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn.
Phụ nữ Phù Lá thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ mỏng, thấp, chui đầu. Trên nền chàm, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và có nhiều hoa văn, cùng với lối bố cục, sử dụng màu sắc giúp chiếc áo phụ nữ Phù Lá khó lẫn lộn với trang phục của các dân tộc khác. Váy có màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng, vàng - giống như áo được phủ khoảng 2/3 diện tích nền chàm. Đầu vấn khăn hoặc đội mũ thêu hoa văn theo lối chữ nhất.
Dân tộc Phù Lá cư trú trong nhà sàn và nửa sàn, nửa đất theo từng nhóm người. Người Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, SinmaCai ở nửa sàn nửa đất. Phù Lá Hoa, Phù Lá Bô Khố Pa ở nhà sàn. Nhà nửa sàn, nửa đất của người Phù Lá có vì kèo đơn giản, chỉ có một bộ kèo tam giác, gồm hai kèo và một quá giang gác lên tường. Đôi khi, nhà nửa sàn nửa đất còn có thêm một hàng hiên. Nhà sàn của người Phù Lá cũng nhỏ nhắn ba gian, hai chái. Vì kèo đặt trên ba cột giống như người Hà Nhì. Gian chính giữa, giáp vách tiền là chạn bát. Giữa nhà là bếp, giáp vách hậu là bàn thờ.
Người Phù Lá thờ thần cửa. Trước mỗi cửa ra vào của các gia đình đều sẽ treo tấm vải đỏ để mọi người trong nhà cũng như khách khứa ra vào được bảo vệ khỏi ma quỷ, vận xấu.
Kinh tế chủ yếu của người Phù Lá là nông nghiệp làm nương và trồng lúa nước trên các ruộng bậc thang. Chăn nuôi của họ là trâu dùng để kéo cầy, ngựa dùng để thồ, gà lợn để lấy thịt, phục vụ cho bữa ăn, cúng bái và lễ tết. Nghề thủ công nổi tiếng của người Phù Lá là đan lát với những sản phẩm mây tre
Người Phù Lá có kho tàng truyện cổ tích, văn hóa dân gian hết sức phong phú và thích hát ca. Mỗi khi có dịp quây quần, những khúc hát ngợi ca dân tộc, gia đình, quê hương đất nước lại được những người phụ nữ cất lên, vọng vang khắp núi rừng..
Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Văn Minh