Địa bàn cư trú của dân tộc Rơ Măm thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, biên giới, cách trung tâm tỉnh Kon Tum khoảng 103 km, cách trung tâm huyện Sa Thầy 70km, toàn bộ xã Mô Rai là vùng cao, độ cao trung bình từ 500m đến 1500m so với mực nước biển, dân số toàn xã là 1.514 hộ 5.224 khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 70,28%, xã có 10 thôn làng, trong đó 7 thôn làng là địa bàn cư trú chủ yếu của người dân tộc thiểu số tại chỗ, 3 thôn làng là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc thuộc các đội sản xuất của Công ty kinh tế quốc phòng 78, thuộc Binh đoàn 15.

Dân tộc Rơ Măm có kho tàng văn hoá dân gian phong phú, đặc sắc với những nét nổi bật về sự giàu có tri thức dân gian và kinh nghiệm canh tác rẫy, những truyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng - chiêng - trống và nhiều loại nhạc cụ; với quan niệm mọi sự vật và hiện tượng đều có thần linh ngự trị, phong tục - tập quán gắn kết với hệ thống lễ nghi, nổi bật là lễ cúng cơm mới và các lễ tạ ơn thần lúa…

Toàn làng còn lưu giữ được 34 bộ cồng chiêng quý; Duy trì được hệ thống lễ hội như "Thổi tai", "Ma chay", "Bỏ mả", "Lễ phát rẫy", "Trỉa lúa", "Mở kho lúa"… các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi… nghề truyền thống đan lát… đặc biệt là một số lễ hội độc đáo như "Lễ Mừng lúa mới", "Mừng Nhà Rông mới"; đến nay bà con đã bỏ được các hủ tục lạc hậu như sống lang thang, săn bắt hái lượm, ăn thịt sống, người ốm đau cúng Yang (thần linh), tục lệ ma chay ngày nay của người Rơ Măm cũng đã có những thay đổi tích cực, đó là các gia đình không còn chôn chung người chết như trước…

Thực hiện: Tuyết Nhung, Vũ Phong, Trần Minh

 Ảnh 360 - Dân tộc Rơ Măm

(Thực hiện: Nhóm PV)