Nhìn tổng thế, dân tộc Tà Ôi có ba nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm Tà Ôi, chính dòng gốc ở Lào; ở Việt Nam đồng bào cư trú ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và một phần ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế); Nhóm thứ hai là nhóm Pa Có, cư trú chủ yếu ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Hướng Hóa (Quảng Trị), là nhóm có dân số đông nhất trong dân tộc Tà Ôi; Nhóm thứ ba là nhóm Pa Hi, phân bố rải rác ở hai huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) và miền núi huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).
Người Tà Ôi tin rằng mọi vật đều có linh hồn - thần linh. Các thần linh đều có tên gọi chung là giàng. Có nhiều loại giàng khác nhau như: giàng núi rừng, giàng sông suối, giàng đất làng, giàng lúa, giàng ngô, giàng khoai…Người ta thờ giàng ở trong nhà rộng của làng, hoặc trong một miếu trong rừng. Các giàng này, mỗi năm được cùng một lần bằng trâu. Nghi lễ này được gọi là a riêu giàng sự, do người đứng đầu làng làm chủ lễ.
Gia đình người Tà Ôi là gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình, người cha có quyền hành lớn giải quyết các công việc như sản xuất, làm nhà mới, tổ chức cưới xin, giao tiếp họ hàng, giao tiếp cộng đồng. Khi người cha mất đi, trách nhiệm được giao cho con trai cả. Người con này người có trách nhiệm chủ trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và được ưu tiên ở nhà gốc - nhà của bố mẹ để lại.
Trang phục cổ truyền của người Tà Ôi cũng như trang phục cổ truyền của nhiều dân tộc Tây Nguyên, nhìn chung là đơn giản về kiểu dáng, mẫu mã, nhưng lại thiên về làm đẹp bằng cách trang trí hoa văn. Người Tà Ôi thường sử dụng hai hình thức trang sức: đeo đồ trang sức và xăm trên người. Những đồ trang sức đeo trên người Tà Ôi có bông tai bằng xương động vật hay bằng ngà voi.
Tương tự các dân tộc thiểu số sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, làng người Tà Ôi theo kiểu làng tròn, làng phòng thủ, làng hình móng ngựa… công trình công cộng đều xây dựng giữa làng, nhà dân vây quanh nhưng đảm bảo nguyên tắc các cây đòn nóc nhà không có hướng đâm vào nhau.
Trong làng có sân làng và ngôi nhà rộng là những cơ sở vật chất chung của làng. Đây là nơi gặp gỡ vui chơi hàng ngày của người lớn và trẻ nhỏ; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt nghi lễ của cộng đồng làng. Các nghi lễ tôn giáo của làng đều được thực hiện tại ngôi nhà rông. Mọi người dân trong làng đều có trách nhiệm đóng góp và tham dự.
Thực hiện: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng
(Thực hiện: Nhóm PV)