Trong quan niệm của người Xơ Đăng, bến nước vừa gần gũi, vừa thiêng liêng. Đồng bào cho rằng, con suối chảy qua làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người.
Hằng ngày, bà con mang quả bầu lấy nước về nấu ăn, uống. Ở mỗi nơi, họ đều có luật lệ riêng để bảo vệ bến nước, như: không được buộc trâu bò gần bến nước, không được xâm hại rừng đầu nguồn, không được xúc phạm đến thần sông thần suối, giữ gìn nước sạch để sinh hoạt... Nếu ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nặng thì sẽ bị làng phạt rượu, gà, heo...
Mọi việc trong buôn làng Xơ Đăng đều do “Già làng” điều hành. Mỗi khi buôn làng có việc, họ lại quây quần trong nhà rông để bàn bạc, lắng nghe ý kiến già làng, cùng chia sẻ công việc. Nhà rông được đặt ở giữa mỗi làng, không chỉ là nơi để đồng bào nghỉ ngơi, vui chơi, giao lưu, tiếp khách, mà còn là nơi trưng bày các các đồ vật liên quan đến cuộc sống của dân làng như cồng chiêng, các pho tượng thờ tổ tiên.
Trang phục truyền thống của đồng bào Xơ Đăng chủ yếu màu đen, nam giới đóng khố, cởi trần. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp luồn qua háng, quấn quanh thắt lưng, thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Xơ Đăng gồm có: áo, váy và tấm choàng (khăn vai). Áo là kiểu áo chui đầu, không có tay. Tấm choàng hay còn gọi là khăn vai của phụ nữ Xơ Đăng được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau, chủ yếu là màu đen. Phụ nữ Xơ Đăng cũng thích đeo đồ trang sức bằng cườm đá nhiều màu sắc ở thắt lưng, cổ tay, cổ chân, đeo vòng đồng, vòng bạc trên cổ và khuyên tai.
Người Xơ Đăng có kho tàng đồ sộ với các loại hình dân gian như múa, hát, âm nhạc. Họ sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ được làm từ các ống tre, nứa như đàn gong, đàn t’rưng, sáo, klong put… Những dịp lễ hội, Tết, đồng bào thường biểu diễn cồng chiêng, kể những câu chuyện sử thi, ngợi ca tổ tiên, dân tộc mình.
Thực hiện: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng
(Thực hiện: Nhóm PV)