- Hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ được các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản,... rót vào Hà Nam. Đây được xem là vùng đất có tiềm năng về công nghiệp, du lịch dịch vụ và nông nghệ cao lớn ngay sát thủ đô Hà Nội.

Ngày 6/8 tới đây, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam năm 2016 sẽ được tổ chức tại thành phố Phủ Lý với quy mô lớn nhất từ trước tới nay dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết, tại hội nghị vào cuối tuần này, tỉnh Hà Nam sẽ trao giấy chứng nhận cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trị giá khoảng 600 triệu USD, trong đó có một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc khoảng 300 triệu USD, một doanh nghiệp Hàn Quốc khác khoảng 150 triệu USD, còn lại là các nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan...

{keywords}
Nhiều NĐT muốn đầu tư vào Hà Nam.

Hiện Hà Nam có 5 khu công nghiệp (Đồng Văn I, II, III, Châu Sơn và Hòa Mạc), với tỷ lệ lấp đầy trên 70% và tỉnh đang phát triển thêm 2 KCN mới. Đồng Văn I (220ha) đã thu hút được 77 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 390 triệu USD, trong đó có 36 dự án FDI đến chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật, Singapore với tổng vống 270 triệu USD. Đến 2020, KHC này sẽ mở rộng thêm 150ha về phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

KCN Đồng Văn II có diện tích 320ha đã thu hút 63 dự án với tổng vốn đăng ký 895 triệu USD, trong đó 56 dự án đến chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật và Mỹ với tổng vốn 810 triệu USD.

KCN Châu Sơn (325,7ha) thu hút 73 dự án với tổng vốn đăng ký 336,5 USD, trong đó phần lớn NĐT đến từ Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Hà Lan và Úc…

Hà Nam cũng đã quy hoạch chuẩn bị đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn IV (300ha), KCN Thái Hà (300ha) và KCN Thanh Liêm (200ha).

Về vấn để môi trường, ông Thắng cho biết, Hà Nam ở hạ lưu nên bị ảnh hưởng nhiều vì ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, nên giờ đây khi phát triển công nghiệp chúng tôi yêu cầu rất cao về việc bảo vệ môi trường.

Hà Nam là một tỉnh thuần nông nên ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả, lúa, hoa màu, cây dược liệu gắn với chế biến.

Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục với tổng diện tích mặt bằng là 480 ha. Các vùng sản xuất rau, củ, quả tại các xã ven sông Châu Giang thuộc các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục và thành phố Phủ Lý với diện tích 1.100 ha.

Gần đây, nhiều DN lớn trong nước cũng đã đến đầu tư vào nông nghiệp tại Hà Nam. VinEco của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã được cấp 300ha, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức dự kiến đến và sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh, TH True Milk cũng dự kiến đến. Một DN lướn khác cũng đang sản xuất rau sạch và đang bán trên địa bàn Hà Nội.

Về dịch vụ, y tế cũng là thế mạnh của Hà Nam. Chính phủ đã quy hoạch Khu Trung tâm y tế chất lượng cao cấp vùng tại thành phố Phủ Lý với quy mô 940ha và hơn 7.000 giường bệnh. Hiện đang xây dựng các bệnh viện tuyến cuoois của trung ương là Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (1.000 giường), Bệnh viện Bạch Mai (1.000 giường) cơ sở 2, Bệnh viện lão khoa cơ sở 2 (500 giường) và bố trí quỹ đất để xây dựng các bệnh viện quốc tế, các trung tâm nghiên cứu khám chữa bệnh chuyên khoa…

Hiện nay các NĐT cũng đã khởi công xây dựng 2 tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao của Tập đoàn Vingroup và Mường Thanh, dự kiến cuối 2017 sẽ hoàn thành đi vào khai thác.

Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc đã được đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng với 2 sân golf tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, cách đây vài tuần, ngân hàng này mời mốt số doanh nghiệp lớn đến BIDV để thảo luận với ban lãnh đạo của tỉnh Hà Nam. Tổng mức đầu tư các doanh nghiệp đăng ký vào tỉnh này khoảng 6.000-7.000 nghìn tỷ đồng, còn nhu cầu cấp tín dụng của các doanh nghiệp đăng ký với BIDV dự kiến từ 3.000-5.000 nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực như xi măng, sân golf, nông nghiệp công nghệ cao...

M. Hà