Một loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Pháp đã đổ xô vào Việt Nam, kỳ vọng nhanh chân chiếm được phần to trong miếng bánh béo bở. Cơn lốc thâm nhập của các đại gia bán lẻ ngoại khiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt ngày càng khốc liệt hơn.
Ồ ạt vào Việt Nam
Cuối năm 2014, việc Berli Jucker Plc (BJC) thâu tóm Metro Cash & Carry Vietnam trị giá 655 triệu Euro - thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất tại thời điểm đó - đã báo hiệu sự thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt từ Thái. Sau đó không lâu, một ông lớn khác từ Thái Lan, Central Group, cũng thâu tóm Nguyễn Kim - một trong những nhà bán lẻ điện tử lớn tại Việt Nam và tiếp theo là Big C.
Tháng 10/2015, nhà bán lẻ hàng đầu Emart (Hàn Quốc) cũng chính thức bước chân vào khu Bắc Sài Gòn khi ra mắt Khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD. "Người bạn đồng hương", Lotte Mart đã khá thành công tại đây với 11 siêu thị và có kỳ vọng gia tăng thị phần với con số 60 cửa hàng cho đến năm 2020.
Các nhà bán lẻ đua nhau mở rộng mạng lưới bán hàng |
Phần lớn các nhà đầu tư Nhật Bản xem sự thành công của Aeon tại Việt Nam là một dấu hiệu tích cực. Aeon đã mở cửa bốn trung tâm thương mại tại Việt Nam và tham vọng gia tăng con số này lên 20 vào năm 2020. Cũng đến từ đất nước hoa anh đào, trung tâm Thương mại Saigon Centre tại TP.HCM đã chào đón sự ra đời của vị khách thuê chủ chốt - Takashimaya vào tháng 7 vừa rồi.
Ra mắt thêm ba cửa hàng Simply Mart tại TP.HCM, AuchanSuper - thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp - cũng có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại TP.HCM và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
Các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, Mango, Topshop đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ Việt Nam. Đầu tháng 9 năm nay, Zara đã khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại TP.HCM. H&M cũng đang hoàn tất thủ tục tiến quân về Việt Nam vào đầu năm tới.
Thị trường bán lẻ Việt Nam như một miếng bánh béo bở. Bà Trang Lê, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, JLL Việt Nam, nhận định, thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng cao khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo Boston Consulting Group, tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, con số này tăng gấp đôi, từ 12 triệu (2014) lên đến 33 triệu (2020), với thu nhập trên 15 triệu VND/tháng. Đây chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử có sự bùng nổ nhờ vào sự gia tăng số lượng người tiêu dùng sử dụng mạng online. Theo báo cáo của Nielsen, 9/10 người tiêu dùng tại Việt Nam (91%) sở hữu điện thoại thông minh, so với 82% năm 2014 và việc lên ngôi nhanh chóng của các thiết bị kết nối đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng, là các yếu tố đặc biệt quan trọng với xu hướng chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng.
Tuy nhiên, không phải trung tâm thương mại hay cửa hàng bán lẻ hiện đại nào cũng thành công như nhau. Metro và Big C đã lần lượt “đổi chủ” mặc dù đã có thâm niên hoạt động tại Việt Nam. Hay Parkson phải đóng cửa bất ngờ trung tâm mua sắm cao cấp ở Keangnam và mới đây tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM.
Cuộc so găng nội ngoại
Các nhà bán lẻ trong nước, điển hình là Vingroup và Coop.Mart, cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước. Trong cuộc đua tranh giành thị phần này, nhiều người lo lắng về sự “yếu thế” của nhà đầu tư nội trước sự thâm nhập ngày càng nhanh của các đại gia ngoại.
Parkson đã phải đóng cửa do thua lỗ nhiều năm |
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho rằng, các doanh nghiệp nội cần chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam không còn là sân chơi riêng của doanh nghiệp trong nước mà trở thành “mảnh đất” hấp dẫn “đại gia” bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Để có thể thắng, không chỉ giá, chất lượng mà cần thái độ phục vụ, dịch vụ sau bán hàng tốt.
Theo Bà Nguyễn Ngọc Trâm, JLL Việt Nam, lo lắng là tất yếu vì người tiêu dùng hiện đại có thói quen mua sắm thông minh, chất lượng và mẫu mã đa dạng sẽ là tiêu chí ưu tiên chọn lựa, mà hai tiêu chí này hoàn toàn là lợi thế của các nhà bán lẻ ngoại, trong khi đó đây lại là hạn chế của nhiều nhà bán lẻ nội.
Bà Trâm cho rằng, các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình, song, cần nghiêm khắc nhìn nhận điểm mạnh điểm yếu để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.
Nhà bán lẻ trong nước có điểm mạnh là am hiểu nền văn hóa vùng miền cũng như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn nhà bán lẻ nước ngoài, chính vì vậy nên tập trung phát huy ưu điểm này.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại của Bộ Công Thương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị cũng như trung tâm thương mại đến năm 2015 chỉ chiếm 30% và đạt 45% đến năm 2020.
“Cơ hội phát triển vẫn còn cho tất cả các nhà bán lẻ trong nước, chỉ có điều là khả nặng nắm bắt và tận dụng cơ hội thôi”, bà Trâm nhận định.
Nam Hải