- Sống và làm việc vì tất cả mọi người; tâm niệm 5 chữ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ trong triết lý Phật giáo; lấy trí tuệ làm sự nghiệp... mỗi doanh nhân theo đạo Phật đều có một triết lý kinh doanh cho riêng mình.
Lê Phước Vũ: Vì tất cả mọi người
Ông Lê Phước Vũ (sinh năm 1963), pháp danh Hoằng Lược. Ông chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ: "Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người".
Ông Vũ tâm niệm: “Phật tử là một doanh nhân ngược lại thì điều đầu tiên phải tin sự vô nhân quả. Phải hiểu rằng tất cả những của cải chúng ta tạo ra đều từ phước báu đã gieo trồng nhiều đời trước. Phước báu này do nhân quả đời trước chúng ta biết bố thí, cúng dường, đời nay chúng ta thành công, thuận lợi trong mọi việc làm ăn, ít gặp chướng ngại.
Quan trọng nhất khi doanh nhân là Phật tử và ngược lại là làm sao giữ được phương pháp hành trì Bát chánh đạo. Tin chắc nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và thấy mình vì mọi người nhiều hơn để mọi người vì mình”.
Ông Vũ đàm đạo với các chư tăng |
Ông Vũ cho hay ông thường xuyên ăn chay để kiềm chế tâm mình, bớt dục vọng, bớt dần những ý niệm không tốt trong tâm, phần khác cũng là thanh lọc cơ thể, là cách để thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Phạm Nhật Vũ: Chữ “Tín” trong đạo Phật
Cư sĩ Từ Văn - Phạm Nhật Vũ, Tổng giám đốc AVG chia sẻ: “Qua rất nhiều thăng trầm, thất bại cũng như thành công, tôi bỗng nghiệm ra một điều: Triết lý của đạo Phật thật là cao siêu và chữ Tín trong đạo Phật đã như một phần của cuộc đời”.
Ông Vũ đầu tư kênh truyền hình dành cho Phật tử |
Triết lý trong đạo Phật mà Phạm Nhật Vũ tâm niệm có 5 chữ: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người), Tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức), Niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng), Định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng), Tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu.
Nguyễn Mạnh Hùng: Lấy trí tuệ làm sự nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Thái Hà Books, có pháp danh là Thiện Đức. Ông nghiên cứu về Phật giáo khi còn là sinh viên và đạo Phật giúp ông sống thiện, sống tốt, sống có ích, biết cho đi, không những tránh tà dâm mà còn nhắc nhở mọi người sống đức hạnh, không bia rượu mà luôn nhắc mình sống tỉnh thức, không si mê.
Ông Hùng đi khất thực |
Sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. "Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử", ông khẳng định.
Đại gia Trầm Bê xây chùa phát tâm
Ông Trầm Bê là người sở hữu dinh thự lớn nhất Trà Vinh. Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank này còn có pháp danh Tắc Hậu.
Thuở thiếu thời, ông Trầm Bê đã từng tu học ở ngôi chùa Vàm Ray, Trà Vinh. Là người gốc Hoa, sống giữa cộng đồng người Khmer từ nhỏ, ông Trầm Bê đã theo phong tục: Thanh niên Khmer đến 12 tuổi, sẽ vào chùa tu học khoảng 3-4 năm, học chữ, học kinh Phật và học làm người, trước khi bước ra đời, làm người có ích cho xã hội.
Trầm Bê tại một buổi lễ |
Người có ảnh hưởng đến sự sùng bái đức Phật của ông Trầm Bê là Đại hòa thượng Trần Dạnh. Trầm Bê rất mực kính trọng và xem Hòa thượng như người cha thứ 2 của mình.
Ông Huỳnh Uy Dũng: Cố gắng niệm tâm cho tịnh
Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, đại gia sở hữu khu du lịch Đại Nam đã tìm được chân lý sống: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta; lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”.
Con nhỏ của ông Dũng cũng theo đạo Phật |
Thành công trên bước đường kinh doanh từ rất sớm nhưng ông Huỳnh Uy Dũng đã có một quan niệm sống bình dị, ông luôn ấp ủ trong lòng những ước mơ, hoài bão và lao vào thực hiện cốt để lại cho đời những công trình có giá trị.
Quan niệm về tiền bạc ông cho rằng: Đừng bao giờ chạy đua và đừng bao giờ nghĩ mình có tiền hay hết tiền. “Cứ sống cho an lành, cứ cố gắng niệm tâm cho tịnh. Để còn tiếp nhận hết những gì xảy ra chung quanh mình không hối hả với cuộc sống vô thường này”, ông Dũng chia sẻ.
D.Anh