Hàng loại đại gia công bố kế hoạch đạt lợi nhuận khủng nhưng thực tế đạt được rất thấp, nhiều lần phải điều chỉnh giảm chưa kể thua lỗ, không đạt mục tiêu đề ra. Cổ phiếu lao dốc, hàng loạt cổ đông ăn no “bánh vẽ” của các ông chủ doanh nghiệp.

Vỡ mộng kế hoạch khủng

Tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG) đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết khi các hàng loạt các kế hoạch của đại gia ngành thủy sản đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Sau một chuỗi ngày vung tiền ngàn tỷ vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành thủy sản, gần đây, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã phải bán tài sản trả nợ. HVG đã quyết định thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc. Hùng Vương thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, gồm rất nhiều lô bất động sản ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM.

Sau thông báo, HVG đã nhấp nhổm tăng trần. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này nhanh chóng quay đầu giảm mạnh và hiện ở mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

{keywords}
Đại gia thủy sản Dương Ngọc Minh.

So với mức giá cách đây 1 năm, cổ phiếu HVG đã giảm gần 50%, hiện chỉ còn hơn 6 ngàn đồng/cp. Tổng tài sản quy từ cổ phiếu HVG của ông Dương Ngọc Minh bốc hơi khoảng 450 tỷ đồng.

Trước đó, HVG đưa ra một kế hoạch kinh doanh 2017 rất ấn tượng, với doanh thu hợp nhất 20 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tương ứng cao hơn 11% và gấp 7 lần con số thực hiện 2016.

Tuy nhiên, những gì thực hiện trong 9 tháng (niên độ 1/10/2016 - 30/6/2017) rất đáng buồn. Doanh thu mới đạt khoảng 60% kế hoạch, trong khi lợi nhuận gần như bằng 0 do thua lỗ trong quý gần nhất. Khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm của HVG rất thấp cho dù ông Dương Ngọc Minh đã tìm tới giải pháp bán tài sản.

Cổ phiếu của hãng taxi đầu ngành Việt Nam Vinasun (VNS) của ông Đặng Phước Thành hiện cũng rớt xuống vùng thấp nhất 1 năm qua, sau khi doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Chưa kể, ông trùm vận tải hành khách Việt này đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng mang tên Uber và Grab.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của Vinasun khá bết bát. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính giảm 80% so với cùng kỳ, xuống còn chưa tới 12 tỷ đồng. Giá cổ phiếu từ mức 35 ngàn đồng/cp cách đây 1 năm nay xuống còn 17.800 đồng/cp. Túi tiền của ông Thành cũng bốc hơi hàng trăm tỷ. Điều đáng lo ngại với nhiều nhà đầu tư là thanh khoản cổ phiếu này gần như cạn kiệt, mỗi phiên vài ngàn đơn vị được chuyển nhượng do thiếu người mua.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cũng có giá cổ phiếu ở vùng thấp nhất 1 năm qua sau khi công bố thua lỗ 20 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm vì giá thịt lợn giảm. Khả năng hoàn thành kế hoạch năm là rất khó. DN này cần phải lãi tới 340 tỷ đồng trong 6 tháng còn lại.

CTCP Solavina (SVN) thậm chí còn đang lỗ trong cả 2 quý đầu năm, trái ngược hoàn toàn với kế hoạch lợi nhuận 2017 tăng gấp 4 lần năm 2016 lên 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp này thậm chí không ghi nhận doanh thu trong thời gian nói trên. Cổ phiếu SVN chỉ còn 2.500 đồng/cp.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh ấn tượng nhưng thực hiện không thành.

CTCK Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) cũng lỗ tới gần 300 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm và khó có khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Cổ phiếu NVT đang ở mức rất thấp, khoảng hơn 3.000 đồng, nhưng chủ tịch của DN này đã tranh thủ bán chạy gần 2,6 triệu cổ phiếu NVT trước cả thời gian công bố thông tin và chấp nhận bị xử phạt hành chính.

Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT) cũng đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch sau khi thua lỗ hơn 12 tỷ đồng trong quý 1 và chỉ lãi chưa tới 15 tỷ đồng trong quý 2. Trước đó, TMT đặt kế hoạch khá ấn tượng: lãi ròng gần 124 tỷ đồng cho năm 2017. Cổ phiếu TMT đã giảm hơn 50% trong vòng 1 năm qua.

Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch rất cao, nhưng kết quả thực hiện được khiêm tốn. ITA mới đạt chưa tới 25 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, trong khi kế hoạch đề ra hơn 300 tỷ đồng. Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đặt ra kế hoạch lợi nhuận 200 tỷ, nhưng mới thực hiện được khoảng 50 tỷ. Cả 2 cổ phiếu này đều có giá dưới 5.000 đồng/cp.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không lường trước được những khó khăn như trường hợp Dabaco lỗ vì giá lợn giảm hay các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng và chi phí lãi vay cao.

Tuy nhiên, không ít ông chủ doanh nghiệp lại có tham vọng quá cao hay chủ quan, khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn như trường hợp HVG, Vinasun và Mai Linh. Thậm chí, có doanh nghiệp năm nào cũng trưng ra kế hoạch kinh doanh khủng nhưng không bao giờ hoàn thành và thực tế là hoàn thành rất thấp như trường hợp SVN.

Năm 2016, SVN đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng và lãi trước thuế 33 tỷ đồng, nhưng thực tế doanh nghiệp này mỗi năm chỉ lãi một vài tỷ, có năm còn thua lỗ.

Công bố kế hoạch lợi nhuận khủng nhưng thực tế đạt được rất thấp, nhiều lần điều chỉnh giảm kế hoạch, hàng loạt cổ đông ăn no “bánh vẽ” của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Việc đầu tư cổ phiếu với nhiều người vẫn không hề dễ dàng. Họ vẫn có thể thua đậm ngay cả khi thị trường chứng khoán Việt Nam tăng rất mạnh, như trong trong 9 tháng đầu năm 2017 với VN-Index lọt top 10 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.

Mùa đại hội cổ đông là thời điểm mà các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh cho năm mới. Đây cũng là thời điểm thị trường hưng phấn và các cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc các nhà đầu tư có thể tìm kiếm và đánh giá thực trạng của các doanh nghiệp thông qua chất vấn và xem xét tính khả thi của kế hoạch kinh doanh. Khi đó, các con số mới có giá trị, thay vì chỉ mang tính chất tham khảo như ở nhiều doanh nghiệp thời gian qua.

M. Hà