Nếu giọng đọc thực sự không hay, thì khán giả sẽ "điều" quảng cáo sang kênh khác. Nếu phẩm chất của một anh "ngoại tỉnh" nào đó không tốt, thì cuộc đời sẽ quật cho đến khi anh thay đổi.

"Chỉ có nhà quê mới phân biệt vùng miền". Câu này nghe thật nhức tai. Nhưng nó chỉ là ví dụ cho một nghịch lý: tức là khi người ta kỳ thị những người kỳ thị thì họ cũng đồng thời trở thành người kỳ thị luôn.

1. Ở trong một từ điển châm biếm nước ngoài, trong định nghĩa về "phê bình/chỉ trích" (criticism), người ta viết thế này: "Nghệ thuật chỉ trích được tạo ra trong một thế giới tương lai nơi con người đã chán ngấy việc suy nghĩ tích cực". Sau đó, nghệ thuật này được đưa bằng máy thời gian về Hy Lạp cổ đại và thế là "triết học" ra đời.

Ngoài chỉ trích, còn có các khái niệm sau:

- Chỉ trích việc chỉ trích: Một số người chỉ trích những sự chỉ trích vì quá ham chỉ trích. Họ khuyên mọi người hãy chấp nhận con người và sự việc như chúng vốn có.

- Chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích: Những người chỉ trích những người chỉ trích những người chỉ trích, cho rằng chỉ trích việc chỉ trích là hành vi đạo đức giả.

- Chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích: Những người này chỉ trích những người chỉ trích những người chỉ trích những người chỉ trích, cho rằng việc đó không có gì là đạo đức giả, chẳng qua tất cả là tại việc chỉ trích mà ra.

- Chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích: Vân vân...

Ngẫm một hồi thì có vẻ như cái sự "chỉ trích" này đúng là một loại virus bí ẩn gửi đến từ tương lai hòng thay đổi lịch sử nhân loại bằng một vòng xoáy bất tận.

2. Mấy ngày nay người ta lại nói nhiều đến việc phân biệt vùng miền. Chuyện là dạo này Đài truyền hình Quốc gia mới có BTV nói giọng Huế. Nhiều người Bắc và cả người Nam không nghe rõ, hoặc là nghe rõ nhưng vẫn thấy nghịch tai vì đã quen với "giọng Hà Nội" trên sóng VTV lâu rồi, bèn cất tiếng chỉ trích.

Sự chỉ trích này rất quen thuộc. Chủ nghĩa xô-vanh thì địa phương nào cũng có, người nào cũng tự hào về cái "chất" của quê hương mình. Nhưng vấn đề là chỉ có 2 nơi có nền kinh tế phát triển vượt trội và có hệ thống di sản văn hóa dày dặn hơn hẳn, là Sài Gòn và Hà Nội. Nên một bộ phận dân của 2 nơi này cho rằng "chất" của mình phải hơn "chất" của người khác.

Nối tiếp sự chỉ trích này tất nhiên là bước 2: chỉ trích việc chỉ trích. Những người này chứng minh rằng làm gì có cái gì gọi là "Hà Nội gốc". Nó vốn là cung vua phủ chúa, mãi về sau mới có dân tứ xứ về làm ăn gọi là "Kẻ Chợ" (cái chợ lớn). Hãy chấp nhận sự đa dạng về văn hóa như nó vốn có đi. Dân Hà Nội nói có phân biệt được "ch" và "tr", "x" và "s" đâu, có nói chuẩn chữ "chỉ trích" đâu mà chỉ trích.

Sau đó thì sẽ phát sinh việc chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích và việc chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích việc chỉ trích và vân vân... 

{keywords}

Vấn đề mấu chốt, là những người có phẩm chất tốt đẹp (để mà đi chỉ trích), có giữ gìn và phát huy được cho chính bản thân họ hay không thôi. Làm được thì xã hội sẽ tự nó biến thiên theo hướng anh muốn, không cần anh áp đặt người khác. Ảnh: Hà Nội Mới

3. Có một điều mà các nhà tâm lý học đã chứng minh, và chúng ta cũng thừa biết nhưng không chịu nhìn vào sự thật: đấy là việc phân biệt vùng miền chỉ tạo ra thêm tính phân biệt vùng miền.

Sự chỉ trích thoạt trông là để làm người khác tốt hơn. Nhưng thứ tâm lý đầu tiên nó tạo ra, phải chăng là mong muốn phấn đấu? Không, thứ tâm lý đầu tiên mà chỉ trích tạo ra, là "tạo ra một phản ứng được điều khiển bởi cảm xúc lo lắng, sự phẫn uất, tức giận, sợ hãi và đau đớn" (TS Carl Alasko - sách "Beyond Blame").

Giả dụ, cứ cho là các địa phương có đặc tính văn hóa riêng. Một người đất Bắc có thể không bao giờ chấp nhận được tính "này nọ" của dân xứ khác. Một người Hà Nội cẩn thận cũng có thể không tài nào sống chung với một ông địa phương nào đó hành xử bản năng. Hoặc có người nói,  không chịu đựng được sự tế nhị thái quá của dân phố thị.

Nhưng khi chúng ta đưa ra những chỉ trích, khi chúng ta quy kết về các đặc tính đó, thì tức là đồng thời chúng ta đã "giúp" họ xây dựng tâm lý cục bộ địa phương.

Hẳn bạn đã nghe đến những công ty nhà nước đóng ở Hà Nội mà có đến quá nửa nhân viên là dân một tỉnh miền Trung. Họ phải đoàn kết để tạo ra cơ chế phòng vệ trước sự phân biệt của đám đông xung quanh chứ. Ngay từ đầu họ đã bị khách quan đẩy vào cái thế chỉ tin dân "quê choa" rồi.

Tốt nhất là chúng ta nên dừng việc quan sát và dừng việc chỉ trích trong vấn đề vùng miền lại trừ khi muốn tiếp tục bị xoáy vào cái vòng rồ dại đã trình bày ở đầu bài viết.

Xã hội sẽ tự cân bằng chính nó mà không cần có sự áp đặt kiểu nói giọng gì trên sóng truyền hình quốc gia thì "hay". Nếu giọng ấy thực sự không hay, thì khán giả sẽ "điều" quảng cáo sang kênh khác. Chuyện chỉ là thời gian. Nếu phẩm chất của một anh "ngoại tỉnh" nào đó không tốt, thì cuộc đời sẽ quật cho đến khi anh thay đổi.

Vấn đề mấu chốt, là những người có phẩm chất tốt đẹp (để mà đi chỉ trích), có giữ gìn và phát huy được cho chính bản thân họ hay không thôi. Làm được thì xã hội sẽ tự nó biến thiên theo hướng anh muốn, không cần anh áp đặt người khác.

Đức Hoàng

*Tác giả hiện đang là thư ký tại báo Lao Động. Bài viết tham khảo cuốn "Beyond Blame: reeing Yourself from the Most Toxic Form of Emotional Bullsh*t" của TS. Carl Alasko.