Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 7, diễn ra tại Paris (Pháp) trong 2 ngày 11 và 12-11, nhằm giải quyết những thách thức cấp bách trên phạm vi toàn cầu đã quy tụ 155 nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn trên thế giới, trong đó có một số lãnh đạo cấp cao như Nguyên Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc María Fernanda Espinosa, Tổng thư ký UNCTAD Rebecca Grynspan, Nguyên Tổng thư ký OECD José Ángel Gurría; Tổng thống Slovenia, Nguyên Thủ tướng các nước Côte d’Ivoir, Israel cùng nhiều Bộ trưởng các nước; đại diện cấp cao công ty Google, Microsoft..

diendan
Quang cảnh diễn đàn

Trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu nhiều hậu quả từ dịch bệnh, xung đột, khủng hoảng lương thực, năng lượng…, diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng phục hồi và hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Với quyết tâm thúc đẩy phục hồi trên tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia, Diễn đàn Hòa bình Paris 2024 tập trung vào các chủ đề chính, như: (i) Hòa bình, địa chính trị và chủ nghĩa đa phương; (ii) Bất bình đẳng và các mục tiêu phát triển bền vững; (iii) Môi trường và khí hậu; (iv) Kỹ thuật số.

Tại phiên khai mạc PPF, Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean - Noel Barrot khẳng định cam kết của Pháp vì nền hòa bình và tôn trọng pháp luật ở mọi nơi, từ Ukraina, đến Trung Đông, Soudan và khu vực Đông Phi; nhấn mạnh Pháp sẵn sàng hợp tác vì một nền quản trị toàn cầu công bằng và hiệu quả hơn, trong đó có lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tổng giám đốc Diễn đàn Hòa bình Paris Justin Vaisse nhấn mạnh sự cần thiết phải tập hợp và tập trung tất cả những người ủng hộ hợp tác và phối hợp trong đảm bảo sự tồn tại của chủ nghĩa đa phương. Ông cảnh báo quản trị toàn cầu kém và thiếu hiệu quả trong quản lý hàng hóa công có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột cao hơn trong tương lai.

Các đại biểu trao đổi nhiều về biến động, xung đột và khủng hoảng đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới cũng như phân cực địa chính trị đang thách thức sự đồng thuận chung; về cuộc chiến Ukraina - Nga; những thay đổi tiềm năng trong chính sách đối ngoại và cam kết đa phương của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc thế giới và các cuộc xung đột tại Trung Đông; quản trị công nghệ, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo áp dụng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững…

Ông Pablo Rice, Trưởng phòng Chương trình, Quản trị công nghệ mới nổi và An ninh mạng của Diễn đàn Hòa bình Paris cho biết: “Vào thời điểm các thách thức địa chính trị và các mối đe dọa kỹ thuật số hội tụ, Diễn đàn Hòa bình Paris luôn nỗ lực để thúc đẩy một khuôn khổ toàn cầu cho quản trị AI có trách nhiệm và an ninh kỹ thuật số. 

Vai trò độc đáo của Diễn đàn Hòa bình Paris trong việc đoàn kết các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các nhà lãnh đạo ngành và các chuyên gia học thuật khiến diễn đàn trở thành đối tác quan trọng trong việc giải quyết các tác động an ninh rộng hơn của các công nghệ mới nổi. Diễn đàn Hòa bình Paris thúc đẩy sự tham gia vào các sáng kiến ​​toàn cầu, bao gồm Lời kêu gọi Paris về Niềm tin và An ninh trong Không gian mạng và Quy trình Pall Mall để chống lại hacker mạng, minh họa cho sự tận tâm của diễn đàn trong việc xây dựng một tương lai kỹ thuật số an toàn và kiên cường.