- Thụy Điển quyết định không đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Hà Nội như thông báo hồi cuối năm 2010 sau khi Chính phủ nỗ lực có nguồn ngân sách mới.

Thụy Điển có nhiều dự án hợp tác phát triển ở Việt Nam.
Đại sứ quán Thụy Điển đã nhanh chóng đưa thông báo về quyết định của Chính phủ nước này trên trang web ngoại giao chính thức tại Hà Nội. Theo thông báo, Chính phủ Thụy Điển và đảng Dân chủ Xã hội đã thỏa thuận được việc phân bổ kinh phí tương đương với mức đề xuất trong dự luật Ngân sách cho năm 2011.

Điều này cũng đồng nghĩa Thụy Điển sẽ ngừng quyết định đóng cửa một số cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, bao gồm Đại sứ quán ở Việt Nam. Chính phủ và đảng Dân chủ Xã hội đã đồng ý tăng cường hơn nữa sự hiện diện ngoại giao tại các thị trường mới nổi.

Quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Hà Nội cuối năm 2010 của Thụy Điển từng gây bất ngờ và thất vọng cho người dân hai nước bởi đây là nước bạn truyền thống lâu đời của Việt Nam, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ và phát triển nhiều năm qua.

Quốc gia châu Âu này là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969) với Cộng hòa miền Nam Việt Nam (30/4/1975), ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất.

Ngay từ tháng 6/1970, Thụy Điển đã lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, Việt Nam cũng mở Đại sứ quán tại Stockholm. Ngày nay, Thụy Điển là một trong những đối tác có nhiều đóng góp, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và các vấn đề phát triển khác, giữ cương vị nước điều phối nhóm các nhà tài trợ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Nam trước đó khẳng định luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Thụy Điển, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Thụy Điển sớm mở lại Đại sứ quán tại Việt Nam khi điều kiện cho phép.

  • X.Linh