Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy vừa cùng các Đại sứ ASEAN tại Tehran có chuyến thăm, làm việc tại Khu Thương mại tự do (FTZ) và cảng Chabahar tại tỉnh Sistan and Baluchestan (12-14/11/2024) nhằm đánh giá tiềm năng và thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, logistic giữa ASEAN và Iran.
Trong chuyến thăm, Đoàn Đại sứ các nước ASEAN đã thăm quan các cơ sở công nghiệp, giáo dục quan trọng của thành phố Chabahar như cảng Shahid Beheshti, Khu phức hợp sản xuất sản phẩm hóa dầu Negin Mokran, Nhà máy sản xuất thép Markan, Đại học quốc tế Chabahar, Học viện Khoa học Hàng hải Chabahar và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực đánh bắt cá, y tế…
Tại buổi làm việc với Giám đốc Điều hành FTZ Chabahar Homeira Rigi và Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sistan và Baluchestan Javad Sepahi, phía Iran đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa ASEAN và Iran, đặc biệt trong bối cảnh Iran mong muốn trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực (Sectoral Dialogue Partner) của ASEAN; giới thiệu cảng Chabahar là điểm kết nối giữa các vành đai vận tải quốc tế, có thể trở thành cửa ngõ cho hàng hóa của các nước ASEAN xâm nhập vào các nước khu vực Trung Á; nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, năng lượng, hàng hải, logistic và du lịch.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Lương Quốc Huy đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao Iran tổ chức chuyến thăm; chia sẻ cảng Chabahar có vị trí chiến lược, quan trọng trong thương mại vận quốc tế, là điểm nối giữa Ấn Độ và Trung Á cũng như với Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc – Nam (INST).
Đại sứ Lương Quốc Huy chia sẻ nhiều điểm tương đồng với Iran như có bờ biển dài và nhiều cảng biển lớn; nhận thấy hai bên có nhiều cơ hội để hợp tác trong lĩnh vực kinh tế biển.
Hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Iran (1973 - 2023); Việt Nam và Iran tuy cách xa về địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng, có tính tự lực, tự cường, có chung khát vọng là xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Trong 50 năm qua, hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm lẫn nhau. Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước không chỉ minh chứng cho sự quan tâm, mà còn cho thấy quyết tâm chính trị của hai nước mong muốn tăng cường và thúc đẩy sự hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực hiện nay cũng như trong tương lai.
Sự gắn kết giữa Việt Nam và Iran còn được thể hiện qua việc hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật (năm 1993); Hiệp định về thương mại (năm 1994), Hiệp định hợp tác văn hóa (năm 1995); Thỏa thuận tham khảo và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2000); Hiệp định vận tải hàng không (năm 2001); Hiệp định vận tải biển thương mại (năm 2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục (tháng 10-2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ (năm 2016)… Các hiệp định, văn bản, thỏa thuận trên là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào thực chất, nhất là trong một số lĩnh vực quan trọng, như kinh tế - thương mại, văn hóa…
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận trong chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; thúc đẩy sớm tổ chức kỳ họp thứ 10 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Iran trong năm 2024; tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao để tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Giữa tháng 5 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tư lệnh Bộ Thực thi pháp luật Iran - Chuẩn tướng Ahmad Reza Radan đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần thúc đẩy, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một nội dung quan trọng trong hợp tác giữa hai nước; khai thác các tiềm năng của hai bên như: Xuất - nhập khẩu nông, thủy sản, ngành Halal...; nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.