Theo đánh giá, hiện nay nguồn nhân lực CNTT của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng dẫn đến khó đảm bảo được hoạt động thông suốt các hệ thống CNTT của Nhà nước khi xảy ra sự cố dẫn đến nguy cơ về mất an toàn thông tin, ngưng trệ các hoạt động quản lý nhà nước.
Hạn chế nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước do còn nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ; việc tuyển dụng không đánh giá hết được trình độ, khả năng về công nghệ thông tin. Mặt khác, do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên dẫn đến tình trạng nhân lực công nghệ thông tin từ cơ quan nhà nước chuyển sang khối tư nhân...
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số địa phương.
Theo đó, địa phương này xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 70% số người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh có tổ chức các hoạt động giáo dục và kỹ năng số.
Riêng đến năm 2030, 90% số người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh có tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng số.
Để tỉnh Đắk Lắk phát triển theo kịp sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi thành công, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Tây nguyên về thành lập, xây dựng, vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh. Mục tiêu nhằm tìm kiếm các nguồn lực mới, dư địa mới để tăng trưởng bền vững, thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, đưa những ý tưởng vào phục vụ cuộc sống. Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà trong nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tính đến chế độ ưu đãi, điều kiện làm việc của người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn; thu hút nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về làm việc tại địa phương.