Đắk Lắk là tỉnh có đa dạng sinh học phong phú với nhiều động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ của Việt Nam và trên thế giới bao gồm 35 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa trên toàn cầu; 71 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa ở Việt Nam theo Sách đỏ năm 2007; 75 loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, cấm khai thác dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, động vật hoang dã tại đây đứng trước nhiều nguy cơ tuyệt chủng chủ yếu do tác động của con người như đốt rừng làm nương rẫy, hoạt động săn bắn, mua bán trái phép. Người dân vẫn giết mổ động vật hoang dã làm thực phẩm và cung cấp ra thị trường.
Hành vi buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên. Ngoài ra, hoạt động này cũng là gia tăng các loại hình tội phạm có tổ chức, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong năm năm trở lại đây, Đắk Lắk phát hiện khoảng gần 1.500 vụ việc liên quan tới động vật hoang dã. Đặc biệt Đắk Lắk là thủ phủ voi nên nhiều khách du lịch có tâm lý tới đây tham quan và sẽ tìm cách mua được các đồ trang sức làm từ ngà voi như vòng, hoa tai, thậm chí sản phẩm ví, da túi xách từ động vật.
Nhận thức của nhiều người về sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn chưa được thay đổi, vẫn đang có xu hướng gia tăng. Theo khảo sát của Trung tâm giáo dục thiên nhiên năm 2022 tại Đắk Lắk cho thấy, trong tổng số 49 cơ sở khảo sát (gồm 8 cửa hàng vàng bạc, 6 cửa hàng mỹ nghệ, 9 cửa hàng lưu niệm, 2 khách sạn và 1 nhà hàng) có 26 cơ sở kinh doanh các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu và lông đuôi công.
Số vụ việc liên quan tới mua bán động vật hoang dã tại tỉnh này vẫn gia tăng theo từng năm. Nhiều đối tượng trong đường dây mua bán động vật hoang dã đã bị xét xử. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc mua bán, tàng trữ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật là hành vi vi pháp pháp luật nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Thế Anh - cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk tại Tọa đàm về Bảo vệ động vật hoang dã do Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) và Sở Thông tin truyền thông tỉnh tổ chức mới đây, có nhiều khó khăn của công tác xử lý vi phạm đến động vật hoang dã. Ví dụ, khi kiểm tra phát hiện và xử lý, các hộ kinh doanh đều cho rằng họ vi phạm lần đầu và không biết tới đây là hành vi vi phạm pháp luật. Đối diện với mức phạt 180 triệu đồng/300gram ngà voi số tiền làm cả đời họ cũng không có được. Ngoài ra, kinh phí giám định các mẫu động vật hoang dã đã xử lý cũng tốn kém gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan tới mua bán động vật hoang dã.
Thiếu tá Anh cho rằng, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan trong đó đẩy mạnh truyền thông.
Tăng cường truyền thông là giải pháp then chốt để người dân nâng cao nhận thức về Luật Đa dạng sinh học. Ngoài ra, phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Các khu du lịch, nhà hàng, quán ăn cam kết không giết mổ, nuôi nhốt động vật hoang dã. Khách du lịch cũng được tuyên truyền không sử dụng mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Nếu không còn nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, nguy cấp, hoạt động buôn bán trái phép sẽ chấm dứt, không còn mua mua sẽ không có người săn bẫy.