Cà phê là cây trồng chủ lực giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của vùng đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, trên thực tế lợi nhuận mà cây cà phê mang lại cho người nông dân chưa cao. Điều này đòi hỏi các tỉnh Tây Nguyên phải có chiến lược xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị thì mới cải thiện thu nhập cho người trồng cà phê xứng tầm cây trồng chủ lực của vùng…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, thị trường thế giới đang đặt ra những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với ngành cà-phê toàn cầu. Liên minh châu Âu đang siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu khi đưa ra các quy định về chống phá rừng cho sản phẩm cà-phê sẽ áp dụng vào năm 2024.
Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để phát triển bền vững ngành hàng cà-phê.
Chính vì vậy, ngay từ đầu niên vụ 2023-2024, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng, chứng chỉ các-bon của Liên minh châu Âu… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra, đồng thời, tận dụng tốt cơ hội về giá trong chuỗi cung ứng cà-phê toàn cầu để phát triển cà-phê bền vững.
Thực tế thời gian qua, các tỉnh trồng cà phê của Việt Nam đã chuyển hướng sang trồng cà phê sạch, thân thiện với môi trường.
Đơn cử, trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, cà-phê vẫn là cây trồng chủ lực và cà-phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội, với giá trị xuất khẩu gần 800 triệu USD/năm, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 18,3% kim ngạch xuất khẩu cà-phê của cả nước.
Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng gắn với vùng chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột, thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, hình thành các vùng sản xuất tập trung và thu hút đầu tư vào vùng trồng, chế biến, thương mại trong ngành hàng.
Phát triển cà-phê chất lượng cao theo hướng xanh và bền vững được xem là định hướng quan trọng, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng cà-phê của Đắk Lắk trong giai đoạn tiếp theo. Tỉnh sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà-phê.
Đắk Lắk đang tập trung xây dựng thương hiệu “Cà-phê Buôn Ma Thuột” trở thành thủ phủ cà-phê robusta của thế giới thông qua Lễ hội cà-phê hai năm tổ chức một lần, chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng với cà-phê đặc sản và cà-phê du lịch sinh thái gắn với truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên…
Còn tại Gia Lai, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất cà-phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà-phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm và một phần sản phẩm cà-phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà-phê đặc sản khoảng 1.200 ha và đến năm 2030 tăng lên 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà-phê toàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 42.000 ha trong số 100.000 ha cà-phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Mặt hàng này đang được xuất khẩu sang thị trường 40 nước trên thế giới.