Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, để đạt tiêu chí số 15 về lĩnh vực y tế, mỗi địa phương cần đạt 4 chỉ tiêu gồm: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt từ 50% trở lên; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 24% trở xuống.

Tại Đắk Nông, đến nay, hệ thống y tế được củng cố, mạng lưới y tế cơ sở được hoàn thiện; công tác quản lý Nhà nước về y, dược được tăng cường; chất lượng công tác khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực.

Ở tuyến y tế tuyến xã, người cao tuổi tại địa phương được phương trạm y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ 2 lần/ năm và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú; tổ chức tư vấn sức khỏe để người cao tuổi chủ động phòng tránh, phát hiện sớm các bệnh thường gặp như cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về xương khớp, phổi; tư vấn các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp và theo dõi tình trạng sức khỏe…

Liên quan đến vệ sinh môi trường, Sở Y tế tỉnh cho biết năm 2023, Đắk Nông đặt chỉ tiêu 80% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, 60% trường học có nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh, 74% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hàng năm ngành y tế luôn chú trọng tuyên truyền về nước sạch cũng như nhà tiêu hợp vệ sinh, thông qua các hình thức như: phim ngắn được chuyển tải trên các nền tảng mạng xã hội, thông điệp phát thanh, tổ chức nói chuyện trực tiếp tại cộng đồng và phát tờ rơi tận tay cho người dân.

Tuy nhiên, để tăng cường nhận thức cho người dân, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao tính đồng thuận về vấn đề vệ sinh môi trường, cần có cam kết mạnh mẽ giữa chính quyền địa phương với người dân và sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành.

An toàn thực phẩm và nước sạch cho người dân nông thôn

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới, an toàn thực phẩm và nước sạch là các vấn đề được chú trọng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Nông tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở thực phẩm trên địa bàn nhằm khuyến cáo để người dân tham gia thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; tổ chức kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của các cơ sở…  

W-dan-toc-gie-trieng-kon-tum-1-1.jpg
Người dân nông thôn ở Tây Nguyên được chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Cơ quan chức năng cũng kiểm tra việc chấp hành về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp chế biến thực phẩm; quy trình chế biến; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước; nguồn gốc xuất xứ đối với thực phẩm và nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm. Xử lý nghiêm các cơ sở, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng không đạt điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, để hoàn thành nhiệm vụ và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương phải đạt tiêu chí về nước sạch.

Ông Phan Thanh Sinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, cho biết những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã huy động nhiều nguồn lực, các chương trình, dự án để đầu tư các công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn. 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đưa tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% và tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 55%. Trong đề án cấp nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2026-2030, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu tỷ lệ lần lượt là 100% và 60%.

Trong năm 2023, 8/8 huyện, thành phố đã thực hiện kiểm tra, giám sát nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2006-BYT ngày 30/11/2006 của Bộ Y tế. 

Đức Yên và nhóm PV, BTV