Sự kiện được tổ chức hai năm một lần, Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu là sự kiện quan trọng nhất của Mạng lưới. Hội nghị năm nay có sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu là đại diện của 195 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, các công viên địa chất tiềm năng, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chính khách, các nhà quản lý đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Ảnh minh hoạ

Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông đã tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện của Hội nghị như họp Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương; dự Lễ khai mạc hội nghị; tham dự cuộc họp Đại hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để trao đổi, thảo luận, góp ý và biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng liên quan đến kế hoạch hoạt động của mạng lưới theo quy định; báo cáo tại Hội thảo chuyên đề về Công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và tham gia hoạt động triển lãm, trưng bày về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Sáng ngày 5/9, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã chính thức thông qua thẻ xanh cho đợt tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Quyết định này mở ra một chặng đường phát triển mới cho Công viên địa chất Đắk Nông, đồng thời cũng ghi nhận những kết quả và nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông thời gian qua. Thông báo chính thức của Hội đồng sẽ gửi về Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và tỉnh Đắk Nông trong thời gian sớm nhất.

Trong khuôn khổ Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu lần thứ 10 diễn ra tại Vương quốc Ma-rốc, sáng ngày 8/9, Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Khorat, Thái Lan.

Để thúc đẩy việc hợp tác giữa các thành viên trong “Nhóm các Công viên địa chất toàn cầu có cảnh quan núi lửa trong Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á – Thái Bình Dương”, Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông còn tham gia ký kết hợp tác đa phương với 03 thành viên khác gồm: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Aso (Nhật Bản), Rinjani-Lombok (Indonesia) và Jeju (Hàn Quốc), trên các lĩnh vực chủ yếu gồm: (1) Bảo tồn di sản địa chất; (2) Phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch địa chất và (3) Giáo dục khoa học địa chất.

Hồng Vũ