Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. 

Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP.

Trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, bao gồm: Bơ núi lửa Krông Nô (HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô); Bưởi Sang’s Farm (HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Sang’s Farm); Cam sành núi lửa và Quýt đường núi lửa (HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú); Hạt điều rang muối (Công ty TNHH Hồng Đức); Gạo ST24 Krông Nô (HTX sản xuất lúa gạo Buôn Chóah); Cà phê bột Đắk Đam (HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An).

Các sản phẩm trên mang đặc trưng, thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đồng thời được sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt các chứng nhận quốc tế, chất lượng cao. Qua đó được đánh giá cao, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng...

Bắt nhịp xu thế và sự phát triển của công nghệ 4.0, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn đã triển khai hỗ trợ các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, thiết bị máy móc hiện đại; cấp mã QR truy xuất nguồn gốc, gắn tem mác, bảo đảm tính minh bạch, công khai và ổn định giá thành; xây dựng website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm…

Từ cuối năm ngoái, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 653/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là cơ sở rất quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý, giám sát sản phẩm OCOP.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 sẽ xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP để triển khai thực hiện. Hàng năm, Đắk Nông phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP lên ít nhất 1 sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, website.

Cùng với đó, nhiều nhiệm vụ cụ thể cũng được đề ra như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng số; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm OCOP của tỉnh; đẩy mạnh kết nối các bên tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp (người dân, doanh nghiệp sản xuất/chế biến/cung ứng, ngân hàng, bảo hiểm, tổ chức khoa học công nghệ; hiệp hội; cơ quan quản lý…).

Việc số hóa dữ liệu, sản phẩm OCOP sẽ được tích hợp quy trình triển khai - quản lý cơ sở dữ liệu toàn bộ hồ sơ sản phẩm, thông tin đánh giá, xếp hạng OCOP trên toàn tỉnh. Thông qua hệ thống phần mềm, các chủ thể của Chương trình OCOP sẽ chủ động tham gia, thực hiện nghiệp vụ và tạo nên một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV