Nằm ở cửa ngõ Tây Nguyên, Đắk Nông có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, là nơi hội tụ các giá trị về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm cỡ quốc tế và khu vực. Đắk Nông có núi đồi xen lẫn những cánh rừng bạt ngàn, nối trải dài những trang trại cà phê, hồ tiêu và cả những cánh đồng nguyên sơ đẹp mắt.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có – du lịch được xác định là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực và năm 2050 trở thành trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc gia.
Những yếu tố đặc trưng tạo nên “thương hiệu” của du lịch Đắk Nông phải kể đến là công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, sở hữu hơn 100 hang động lớn nhỏ, với quy mô dài và rộng bậc nhất Đông Nam Á, phân bố chủ yếu ở khu vực Krông Nô, phát hiện từ năm 2007 và được Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã xác định nơi đây có hàng trăm hang động lớn nhỏ. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ. Ngoài ra, trong khu vực còn có các di sản kiểu cổ sinh như các hóa thạch cúc đá, các khuôn cây trong đá bazan, các hồ nước đầy thơ mộng; các miệng núi lửa độc đáo đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo và hệ thống thác nước đẹp hùng vĩ...
Với địa hình đa dạng và phong phú xen kẽ giữa các thung lũng, cao nguyên và núi cao, Đắk Nông có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như thác Đắk G'lun, thác Đắk Búk So, thác Đ'ray Sáp, thác Gia Long, thác Trinh Nữ, hồ Trúc, hồ Tây. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tà Đùng nằm trong CVĐC toàn cầu UNESCO là một trong những địa điểm hấp dẫn có thể khai thác nhiều loại hình du lịch.
Đắk Nông còn có hồ Tà Đùng, được ví như “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên” với diện tích gần 5.000 ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, nhất là giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn Quốc gia Tà Đùng, Rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp và một phần phía Nam của Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ những giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Với hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng với nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới như voi, hổ, bò rừng và nhiều loài linh trưởng (voọc đen má trắng, chà vá chân đen, chim hồng hoàng, gà tiền mặt đỏ...).
Đắk Nông là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào gắn liền với núi rừng, nương rẫy, mang nếp sống, lối sống văn hóa, văn minh nương rẫy, văn minh núi rừng.
Đắk Nông hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu là di sản cồng chiêng và diễn tấu văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống, sử thi huyền thoại, kể khan, các loại hình lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ và các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc và nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: thi cây nêu truyền thống, đi cà kheo, nhảy bao bố, đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, đánh chiêng, ngậm nước phun chai, thi bắt lươn trong chum, kéo co, bắn nỏ, phân loại đậu, thi gĩa gạo, nấu cơm nhanh, nấu canh thụt, canh bồi… những hoạt động văn hóa phản ánh nếp sống, phương thức sinh hoạt mang bản sắc riêng của các tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời thể hiện vẻ đẹp mang bản sắc riêng của Đắk Nông. Đặc biệt, bộ sử thi Ot N’Drông của đồng bào M’nông được sưu tầm và phục hồi đã thu hút được sự quan tâm chú ý của khách du lịch.
Ngoài ra, Đắk Nông hiện có 12 di tích được Nhà nước xếp hạng; trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh.
Để ngành du lịch phát triển, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định du lịch là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp bền vững. Cụ thể, đến năm 2025, hình thành một số điểm du lịch trọng tâm gắn với cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của Đắk Nông; hoàn thành sớm quy hoạch các khu du lịch trọng điểm (Tà Đùng, Công viên địa chất...); phát triển một số sản phẩm và mô hình du lịch mang tính đặc thù của Đắk Nông. Năm 2030, hình thành các tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông; hỗ trợ đầu tư có trọng điểm các điểm đến theo từng tuyến; hoàn thành đầu tư các khu du lịch trọng điểm.
Tầm nhìn 2050, phát triển các tuyến du lịch của CVĐC Đắk Nông tạo thành một hệ thống liên hoàn, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa; trở thành trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc gia.
Đắk Nông xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Du lịch phát triển bền vững, theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, việc phát huy giá trị CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông chính là “đòn bẩy” để khôi phục, bảo tồn và khai thác các giá trị di sản phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững.
Hồng Vũ