Ở Đắk Nông, trong những năm gần đây chăn nuôi gà phát triển mạnh. Chăn nuôi gà được quan tâm và đầu tư khá đồng bộ cả về giống, kỹ thuật và chuyển đổi phương thức chăn nuôi, nên sản lượng thịt, trứng  luôn năm sau cao hơn năm trước.

{keywords}
Ảnh minh họa. Thu Hương

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, hai năm nay do ảnh hưởng của dịch covid-19, giá nông sản xuống thấp, nhiều hộ gia đình sản xuất cà phê gặp không ít khó khăn.

Để hỗ trợ cho bà con nông dân có thêm thu nhập, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng gà an toàn sinh học.

"Có thể nói, nuôi gà an toàn sinh học là rào chắn hữu hiệu để chặn đứng nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm độc lực cao", đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhấn mạnh. 

Anh Lê Trung Văn - một hộ chăn nuôi chia sẻ, gia đình anh là một trong những trại nuôi gà có quy mô lớn ở địa phương.

Cách đây 1 năm, anh chuyển từ nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, anh thấy chất lượng thịt gà chắc, ngọt hơn. Đặc biệt, tỷ lệ hao hụt thấp, nhờ vậy thu nhập từ đàn gà của gia đình anh tăng cao.

Quá trình nuôi, anh không phải sử dụng kháng sinh, gà ít ốm đau, phát triển nhanh và đều. Từ đó, anh đầu tư chuồng trại theo quy chuẩn sinh học, có hệ thống làm mát, rắc chế phẩm sinh học khử khuẩn, giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi. Đàn gà được tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh định kỳ.

Anh cho hay, chăn nuôi gà an toàn sinh học có nhiều quy định nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Chuồng trại phải đảm bảo cách ly với nơi ở, có hố sát trùng trước khi vào trại, thông thoáng; Mái che được thiết kế cách nhiệt giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định; Nền chuồng được rải một lớp trấu dày kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý phân gà; Xung quanh khu vực chuồng nuôi xử lý vôi nhằm hạn chế dịch bệnh…

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học  nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lâu dài và bền vững cho người chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm, nhất là lợi ích đối với người tiêu dùng vì được sử dụng những sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy suất nguồn gốc, đó chính là mục tiêu và lợi ích lớn nhất mà chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại.

Thu Hương