Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình trạng mua bán động vật hoang dã vẫn còn nhức nhối. Người dân trên địa bàn vẫn nuôi nhốt động vật trái phép.

Trường hợp của gia đình ông N.H.T (trú thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp) nuôi 8 cá thể Kỳ đà, mỗi con có trọng lượng 2kg. Công an huyện Đắk R’Lấp phối hợp với Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Đức - Đắk R’Lấp  đã lập biên bản, khởi tố hình sự về hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Sau đó, số cá thể Kỳ đà được bàn giao lại cho Hạt kiểm lâm đưa về chăm sóc và thả về rừng tự nhiên.

Vào tháng 9/2023, Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Đức – Đắk R’Lấp cũng thu giữ nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc danh mục quý hiếm, nghiêm cấm mua bán, nuôi nhốt dưới mọi hình thức. Các cá thể này bao gồm 2 cá thể Trăn thuộc danh mục quý hiếm nhóm IIB, 3 cá thể Dúi, 10 con Kỳ tôm thuộc động vật thông thường. Số động vật này đã được lực lượng chức năng tái thả về môi trường tự nhiên.

dan nong.png
Tuyên truyền giáo dục người dân về công tác bảo vệ động vật hoang dã, môi trường rừng. 

Trước đó, lực lượng chức năng kiểm tra một hộ dân tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông cũng phát hiện có 3 cá thể Cheo cheo đã chết với trọng lượng 3 kg; 1 cá thể Dúi đã chết, trọng lượng 1 kg. Một hộ gia đình khác ở xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút cũng nuôi nhốt trái phép 17 cá thể Kỳ đà vân có tổng trọng lượng 27 kg. Tất cả các cá thể động vật này đều nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm IB.

Đắk Nông có 3 khu rừng đặc dụng với nhiều loại động thực vật phong phú và đa dạng. Do áp lực cuộc sống, các hộ dân sống ở bìa rừng có điều kiện kinh tế khó khăn, hiểu biết về pháp luật hạn chế nên thường xuyên có hành động tác động đến nguồn tài nguyên rừng, các loại động vật quý hiếm có trong rừng.

Theo quy định hiện hành, mọi hành vi mua bán, săn bắt, bẫy động vật hoang dã đều vi phạm pháp luật. Các hành vi có thể xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự tùy theo mức độ quý hiếm của các loài động vật này. Tuy nhiên, tại Đắk Nông, do hạn chế về nhận thức nhất là người dân tộc, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức được hành vi trên là vi phạm pháp luật nên vẫn diễn ra tình trạng nuôi nhốt, săn bẫy động vật hoang dã.

Huy động sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong địa bàn tỉnh về công tác bảo tồn động vật hoang dã, chấp hành Luật Đa dạng sinh học, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học  đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ nay tới năm 2030, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan tới phòng chống tội phạm đa dạng sinh học; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực trong công tác bảo vệ đa dạng, các thiết bị phục vụ công tác điều tra, xử lý các vụ việc liên quan tới tội phạm này.

Đặc biệt là trong công tác truyền thông để nâng cao ý thức của cộng đồng, người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa các chuyên đề truyền thông về Luật đa dạng sinh học tới người dân, cộng đồng, học sinh. Đến năm 2030, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin liên quan tới phòng chống tội phạm đa sinh học. 

Công tác xử lý các vụ việc vi phạm đa dạng sinh học cũng được quan tâm, xử lý kịp thời và công khai trên các phương tiện thông tin để mang tính răn đe, giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ động, thực vật quý hiếm. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông sẽ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, tránh tình trạng mua bán trái phép động vật hoang dã, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV